Thảo Ly ·
2 năm trước
 3173

Sau 10 ngày giãn cách xã hội, Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu như thế nào?

Bắt đầu từ ngày 24/7, Hà Nội bước vào thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội. Đến hôm nay đã là 10 ngày giãn cách, vậy Hà Nội đã đạt được những kết quả gì?

Trong ba ngày đầu áp dụng giãn cách xã hội thì cả từ phía chính quyền cấp quận, cơ quan chức năng đến người dân, doanh nghiệp đều có sự lúng túng. Các chốt kiểm soát hoặc hoạt động lỏng lẻo, hoặc áp dụng quy định một cách máy móc khiến các phương tiện giao thông bị dồn ứ, người dân cảm thấy bị phiền nhà, đường phố vẫn còn đông người, mẫu "giấy đi đường" không thống nhất, chưa có "thẻ đi chợ"; vẫn còn tình trạng bán hàng "chui", tập thể dục "trộm"

Nhưng sau đó, tất cả những vấn đề trên đã được khắc phục. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, những điều bất cập được điều chỉnh. Ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân cũng được nâng cao rõ rệt.

Hà Nội giãn cách

Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, những điều bất cập được điều chỉnh. Ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân cũng được nâng cao rõ rệt

Từ 11 giờ ngày 30/7 (thứ Bảy) đến 11 giờ ngày 31/7 (Chủ nhật), tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra, vào Thủ đô, lực lượng chức năng đã kiểm soát 39.722 lượt phương tiện; yêu cầu 3.301 phương tiện quay đầu để không vào thành phố.

Lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ, tham mưu với chính quyền các cấp để xử phạt 689 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch với tổng số tiền phạt là hơn 1,1 tỷ đồng. Tính gộp từ sáng 24 đến trưa 31/7, cơ quan chức năng đã xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Dư luận xã hội có sự đồng tình rất cao trước việc các cơ quan chức năng mạnh tay với các đối tượng ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, trây ì, không chịu đi cách ly tập trung khi bản thân mình có nguy cơ lây nhiễm virus cho cộng đồng, chống đối những người đang làm nhiệm vụ…

Điều này thể hiện rõ nét trên mạng xã hội và các diễn đàn mạng qua thái độ "trăm người như một" phê phán một "ông già gân" (người đàn ông lớn tuổi hành hung chiến sỹ công an khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang), một "chị gái lý sự cùn" (người phụ nữ tiếp xúc trực tiếp với ca F0 nhưng tự khẳng định mình là "F1 không thể bị nhiễm virus")…

Trong nửa phần đầu của thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 70 ca mắc COVID-19, gần như theo đồ thị "đi ngang" tuy có lúc lên, lúc xuống. Vào những ngày cuối của đợt giãn cách, số ca nhiễm tăng cao hơn.

Trong ngày 30/7, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 119 ca dương tính với SARS-CoV-2. Từ 6h đến 18h30 ngày 2/8, Bộ Y tế cho biết, Hà Nội có 113 ca mắc.

Số ca mắc được ghi nhận đang tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá đúng nguy cơ và đã rà soát đúng các đối tượng. Phải ít nhất sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội thì số ca mắc mới có thể sẽ giảm dần sau khi đạt đỉnh.

Đợt dịch mới này khó khăn hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó. Bởi vì tại 29 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đều đã có các ca mắc COVID-19. Các chùm ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ quận đến huyện, từ nội thành ra ngoại thành.

Thậm chí, một số ổ dịch có diễn biến kéo dài như tại Bệnh viện Phổi Hà Nội; tại thôn Thọ Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì); tại phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai)... Đặc biệt, nhiều chu kỳ lây nhiễm (từ F1 thành F0 lây cho F2 và F2 thành F0 lây cho F3) đã xuất hiện trong một ổ dịch.

Một cái khó nữa trong việc khống chế SARS-CoV-2 ở Thủ đô là dịch đã len lỏi vào một nhánh của hệ thống cung cấp thực phẩm cho các siêu thị cũng như các ca nhiễm đã xuất hiện tại các chợ đầu mối.

Ngày 1/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.

Những biện pháp mạnh nói trên được xem là cách mà Thủ đô Hà Nội đáp lại Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra ngày 29/7:

"Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng".