Theo những thông tin trước đó, đáng chú ý không chỉ ở lượng vốn huy động lớn, CTCP Ngọc Thiên Global còn gây chú ý bởi Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với sự đột biến trong tất cả các chỉ tiêu tài chính.
Đơn vị kiểm toán đã đưa ra khá nhiều ý kiến ngoại trừ
Theo Công ty TNHH Kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam (AVA), tại thời điểm 31/12/2021 công ty kiểm toán không được tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định của công ty. AVA thực hiện thủ tục kiểm toán thay thế cũng không đảm bảo thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp. Được biết, về tính hiện hữu của khoản mục nêu trên cũng như ảnh hưởng (nếu có) đến các khoản mục khác có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất kết thúc ngày 31/12/2021 của công ty cũng không được AVA đưa ra ý kiến.
Đơn vị kiểm toán AVA cho biết, tại thời điểm 31/12/2021 Ngọc Thiên Global chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ số dư các khoản nợ phải thu và phải trả. Các thủ tục kiểm toán đã được AVA áp dụng để xem xét các số dư này. Tuy vậy, các thủ tục ấy chưa giúp AVA có được đầy đủ các bằng chứng cần thiết, đưa ý kiến về tính đúng đắn của các số dư các khoản công nợ này được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của công ty.
Cũng theo đơn vị kiểm toán AVA, một trong các công ty con của Ngọc Thiên Global - Công ty TNHH Ngọc Thiên chưa thực hiện việc trích và ghi nhận chi phí khấu hao của tài sản cố định thuê tài chính ước tính giá trị gần 2,3 tỷ đồng, thời gian khấu hao ước tính là 15 năm. Bên cạnh đó, một số khoản nợ không có khả năng thu hồi với giá trị hơn 22,18 tỷ đồng đã được Công ty TNHH Ngọc Thiên đã tiến hành xử lý vào tài khoản 811-chi phí khác mà chưa có hồ sơ, chứng từ kế toán theo quy định của thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 của Bộ tài chính. Liên quan đến vấn đề này, với bất cứ điều chỉnh nào cũng đều làm ảnh hưởng đến Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất cũng như các chỉ tiêu khác có liên quan của công ty.
Nhiều câu hỏi được đặt ra cho khoản phải thu - phải trả hàng chục tỷ đồng
Tại báo cáo tài chính hợp nhất đã được AVA kiểm toán cho thấy, ngoài các vấn đề mà kiểm toán đã nêu ở trên, bức tranh tài chính của Ngọc Thiên còn có các con số rất đáng lưu ý.
Cuối năm 2021, tổng tài sản của công ty đạt 15.183 tỷ đồng, so với đầu năm gấp gần 5 lần. Tuy nhiên, tài sản phình to ra này lại ở hạng mục phải thu ngắn hạn của khách hàng với số dư lên đến 10.754 tỷ đồng, so với số dư đầu năm gấp hơn 5 lần. Bên cạnh đó, Công ty cũng có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn khác 104 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn khác lên đến 2.592 tỷ đồng - gấp nhiều lần so với đầu năm 2021.
Đáng chú ý, khi soi danh sách những doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến các khoản phải thu-phải trả, rất nhiều doanh nghiệp xuất hiện ở cả 2 phía. Điều đó có nghĩa là, Ngọc Thiên Global đang vừa là con nợ cũng vừa là chủ nợ của mấy chục doanh nghiệp.
Càng trở nên khó hiểu hơn khi khoản phải thu, phải trả của Ngọc Thiên, trong năm 2021 con số ở 2 bên bảng cân đối kế toán tăng cao bất ngờ. Các giao dịch của một doanh nghiệp như Ngọc Thiên trở nên vô cùng khó hiểu chỉ trong vòng 1 năm.
Cùng với đó, tại thời điểm cuối năm 2021 số nợ của Ngọc Thiên Global rất lớn, lên đến 13.606 tỷ đồng cuối năm trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ 990 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, có nhiều doanh nghiệp thực hiện "dịch vụ xử lý giao dịch" cho các doanh nghiệp khác thông qua các khoản phải thu, phải trả và ẩn số trong hoạt động này thường nằm ở các hóa đơn mua vào, bán ra và ghi nhận lãi lỗ.
Năm 2021 doanh thu lên gần 12.000 tỷ đồng tiền vẫn ở dạng phải thu, phải trả.
Không chỉ mang "ẩn số" nợ khủng trên bảng cân đối kế toán, Ngọc Thiên Global cũng ghi nhận doanh thu 11.960 tỷ đồng, tăng vọt so cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng lợi nhuận gộp năm 2021 đạt được từ khoản doanh thu khổng lồ chỉ có 31 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ bằng một nửa. Không những thế, Ngọc Thiên Global lỗ thuần hơn 3 tỷ đồng sau khi trừ đi chi phí lãi vay 21,5 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty hơn 8 tỷ đồng nhờ khoản lợi nhuận khác trong đó phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.
Đáng lưu ý, dù ghi nhận doanh thu lớn nhưng báo cáo dòng tiền của công ty cho thấy thực ra nguồn thu khủng đó thực chất chỉ nằm trên báo cáo khi các khoản phải trả tăng lên 11.565 tỷ đồng và các khoản phải thu giảm 11.091 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là công ty đang xử lý giao dịch mua/bán cho mấy chục doanh nghiệp khác dưới dạng và ghi tăng/giảm phải thu/phải trả ở cả 2 phía.
Bên cạnh đó, Ngọc Thiên Global cũng gây chú ý ở khoản "phải thu khác" dưới dạng tạm ứng và không có thuyết minh lên đến 2.396 tỷ đồng. Đối ứng với khoản phải thu khác, có lẽ hàng nghìn tỷ đồng này lại là khoản phải trả khác lên đến 1.737 tỷ đồng, tăng vọt so với đầu năm. Được biết, khoản tiền này công ty ghi nhận là khoản "phải trả cổ đông đóng góp chờ tăng vốn".
Vay ngân hàng và trái phiếu hàng trăm tỷ đồng?
Mặc dù hoạt động kinh doanh của Ngọc Thiên Global chứa đựng nhiều nghi vấn và các số liệu trọng yếu về tiền mặt, tồn kho, tài sản cố định đã không kiểm chứng được bởi đơn vị kiểm toán thì Ngọc Thiên vẫn đang vay vốn "khủng" từ ngân hàng và vay vốn trái phiếu.
Theo đó, tại báo cáo tài chính kết thúc năm 2021, tại hệ thống ngân hàng như Ngân hàng Eximbank (4,7 tỷ đồng), ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (9,86 tỷ đồng); Ngân hàng Sacombank (30 tỷ đồng), TPBank (4,84 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) 100 tỷ đồng, Ngọc Thiên Global vẫn đang vay ngắn hạn 149 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang nợ thuê tài chính công ty cho thuê tài chính Chailease 3,56 tỷ đồng.
Không chỉ vay nợ ngân hàng và công ty tài chính, Ngọc Thiên Global hiện ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất khoản nợ trái phiếu 255,2 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 8/4/2021 (đáo hạn vào 8/4/2024).Được biết, trái phiếu có mã NTGC.H.21.24.001 và có lãi suất 11%/năm. Mục đích phát hành là để đầu tư vào công ty con là Công ty TNHH Ngọc Thiên nhằm xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Phần vốn góp của công ty tại Ngọc Thiên là tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu này.
Được biết, Ngọc Thiên Global hoạt động trong lĩnh vực bán buôn kim loại và quặng kim loại; Sản xuất kim loại màu và kim loại quý; thu gom rác thải không độc hại, xử lý và tiêu hủy rác không độc hại; tái chế phế liệu; Xây dựng nhà để ở; Xây dựng công trình công ích khác... Công ty được thành lập năm 2010 và tại thời điểm kết thúc năm 2021, vốn điều lệ của công ty là 990 tỷ đồng. Theo thông tin trên báo cáo tài chính, Ngọc Thiên Global có đến 10 công ty con gồm. Ông Trịnh Phan Thiên là cổ đông lớn đóng góp 988 trên tổng số 990 tỷ đồng vốn điều lệ của Ngọc Thiên Global. Ông sở hữu 98,8 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Ngày 08/08/2022, ông Trịnh Phan Thiên đã thế chấp 60 triệu cổ phần Ngọc Thiên Global tại CTCP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) - mã chứng khoán IVS. Ngày 26/09/2022, ông tiếp tục đem toàn bộ 27,9 triệu cổ phần tương đương 92,69% cổ phần tại Công ty Cổ phần Thịnh Phát Hưng Yên thuộc sở hữu của ông Trịnh Phan Thiên thế chấp tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Eurocapital. Được biết, Thịnh Phát Hưng Yên là một trong những công ty chủ chốt đang "lưu vết" trên các khoản phải thu, phải trả khủng khiếp của Ngọc Thiên Global. |