Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, những trận mưa lớn liên tiếp đã khiến mực nước sông Ahr dâng cao tràn bờ và huyện Ahrweiler thuộc bang Rheinland-Pfalz (nơi có dòng sông chảy qua) là một trong những nơi phải hứng chịu thiệt hại lớn nhất, riêng tại đây có 117 người thiệt mạng trong khi vẫn còn khoảng 170 người mất tích. Chính quyền huyện Ahrweiler khuyến cáo người dân sinh sống ở hai bờ sông Ahr không nên sử dụng nước trên sông Ahr để giặt giũ và hay uống, bởi nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng do dầu sưởi, nước thải, bùn và rác. Mưa lũ cũng làm 47 người ở bang Nordrhein-Westfalen và 2 người ở bang Bayern thiệt mạng.
Ngoài ra, khoảng 750 người bị thương và 30.000 người vẫn chưa có điện sinh hoạt. Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, mưa lũ còn phá huỷ nhiều công trình cầu đường, nhà cửa và hệ thống công cộng. Nhiều tập đoàn và công ty, như nhà cung cấp phụ tùng xe hơi ZF, tập đoàn năng lượng RWE và công ty tái chế đồng Aurubis phải ngừng hoặc giảm sản xuất do lũ lụt.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho biết Đức sẽ nhanh chóng xây dựng một quỹ tái thiết và sẽ được triển khai ngay sau khi đánh giá được con số thiệt hại. Các nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết riêng việc xây dựng lại hệ thống đường bộ và đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng đã tiêu tốn khoảng 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD), trong đó việc sửa lại hệ thống đường sắt mất khoảng 1,3 tỷ euro. Bộ Giao thông liên bang Đức cho biết nhiều con đường, cây cầu, đường sắt và cột viễn thông đã bị phá hủy và cần phải được sửa chữa ngay lập tức. Các nhóm đặc trách sẽ đánh giá thiệt hại đối với hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để có ước định cụ thể.
Phát biểu khi tới thăm huyện Ahrweiler ngày 19/7, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Horst Seehofer đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích cho rằng người dân đã không được Chính phủ thông báo kịp thời để hạn chế thiệt hại về người và của. Ông nhấn mạnh trong hệ thống phân cấp liên bang, các huyện và chính quyền địa phương là nơi có trách nhiệm ban bố thảm hoạ, cảnh báo hay kêu gọi lực lượng hỗ trợ khẩn cấp. Ông nhấn mạnh: "Sẽ hoàn toàn không thể tưởng tượng nếu một thảm họa như vậy được quản lý tập trung từ bất kỳ nơi đâu... Chủ nghĩa tập trung không cải thiện bất cứ điều gì trong vấn đề này".
Tuy nhiên, ông Seehofer cũng cho rằng các cơ quan hữu quan có thể thảo luận việc cải thiện những khâu còn chưa phù hợp cũng như những gì có thể hợp tác tốt hơn sau khi công tác cứu trợ được triển khai đầy đủ.
Sau thảm hoạ thiên tai nêu trên, nhiều huyện ở bang Rheinland-Pfalz yêu cầu thiết lập một hệ thống cảnh báo với các cột còi báo động mới. Theo các địa phương, hệ thống báo động số sẽ không có tác dụng nếu chuông bị tắt, do vậy cần có hệ thống còi ủ báo động tập trung theo điểm, nhằm cảnh báo tới mọi người dân cả trong trường hợp xảy ra các sự cố khác, như bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, vũ khí hoá học... Các địa phương cũng nhắc lại hệ thống còi ủ ở nhiều nơi không hoạt động trong ngày triển khai thử nghiệm hệ thống báo động trên cả nước hồi tháng 9/2020.
Theo Báo Tin Tức