Vận chuyển trái phép 600 tấn quặng đồng ở Hải Phòng, công ty Ngọc Thiên đã bị xử phạt như thế nào?
Vào năm 2020, vụ việc buôn lậu 600 tấn quặng đồng với giá trị chục tỷ đồng của công ty Ngọc Thiên bị phát giác ở Hải Phòng đã thu hút quan tâm của dư luận.
Được biết, khoảng 14h, ngày 16/5/2020, tại bãi cảng của Công ty Hà Hưng Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Đội kiểm soát hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hải Phòng và Đoàn trinh sát số 1, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1 đã phát hiện bắt giữ 30 container có chứa 600 tấn quặng đồng nguyên khai trị giá 10 tỷ đồng.
Theo hồ sơ hải quan, doanh nghiệp này khai báo 2 lô hàng đóng trong 30 container loại 20 feet là chì dạng thỏi, mới 100% do Ngọc Thiên tái chế từ ắc-quy chì đã qua sử dụng.
Lô hàng đã được thông quan theo quy định vì được phân luồng vàng. Thế nhưng do đã nằm trong kế hoạch theo dõi trinh sát từ trước đó, qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ số hàng chứa trong 30 container không phải là chì dạng thỏi như khai báo mà nghi là quặng đồng vàng. Ước tính, khối lượng là hơn 600 tấn với trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Qua khám xét và xác minh giám định của cơ quan chức năng có liên quan, hàng hóa thực tế là quặng có tên là "Sản phẩm đồng hành của Bismuth xi măng", có hàm lượng trung bình của Đồng (Cu) là 4,87%, của Vàng (Au) là 12,27 gam/tấn. Đây là mặt hàng không được xuất khẩu theo quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BCT của bộ Công Thương.
Đây được xem là một trong những vụ bắt giữ khoáng sản nói chung, quặng đồng nguyên khai nói riêng lớn nhất ở địa bàn Hải Phòng những năm gần đây.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, toàn bộ số quặng này được khai thác tại một số mỏ quặng ở các tỉnh phía Bắc, vận chuyển về cảng Hải Phòng bằng các container để xếp lên tàu xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo Cơ quan chức năng, nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp này đã từng nhiều lần làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng chì dạng thỏi ra nước ngoài trước khi lô hàng bị bắt giữ.
Ngày 22/6/2020, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng đã ký quyết định số 1068/QĐ-HQHP khởi tố vụ án hình sự về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, theo bản án số 103/2021/HS-ST ngày 26/7/2021 của TAND TP.Hải Phòng, bà Đỗ Hồng Hạnh bị xử phạt số tiền 1 tỷ đồng. Đồng thời, phát mại tịch thu xung ngân sách hơn 848,2 tấn quặng kim loại thu giữ được.
Cơ quan chức năng phát hiện thu giữ lô hàng
Đáng chú ý, ngoài lô hàng bị bắt giữ nói trên, vài năm trở lại đây, Ngọc Thiên đã từng nhiều lần làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng chì dạng thỏi ra nước ngoài.
Cũng theo giới thiệu của công ty này, Ngọc Thiên đã tận thu triệt để các nguồn nguyên liệu sẵn có từ rác thải công nghiệp như dây đồng, thiếc vụn và pin, bình ắc-quy hỏng.., tái chế thành khối, thỏi để xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, các nước Đông Âu…
Mục đích hệ sinh thái Ngọc Thiên cho phát hành nghìn tỷ trái phiếu?
CTCP Tập đoàn Ngọc Thiên Global đã thành công phát hành 453.299 trái phiếu và thu về 453,299 tỷ đồng. Lãi suất không được công bố, trái chủ và có kỳ hạn 3 năm.
Được biết, đây không phải lần đầu Tập đoàn Ngọc Thiên Global phát hành trái phiếu. Ngọc Thiên Global và công ty con là Công ty TNHH Ngọc Thiên có hai đợt phát hành trái phiếu thu hút 800 tỷ đồng trong năm 2021.
Trong đó, CTCP Tập đoàn Ngọc Thiên Global công bố phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm vào đầu tháng 4/2021. Lãi suất cố định là 11%/năm, được bảo đảm bằng hơn 60,65 triệu cổ phần, tương đương 90,227% vốn điều lệ của Công ty TNHH Ngọc Thiên (Ngọc Thiên)- công ty con của Ngọc Thiên Global.
Lô trái phiếu này được phát hành với mục đích đầu tư vào Ngọc Thiên để xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Mặc dù danh tính trái chủ không được công bố nhưng theo một số nguồn tin thì đây là một tổ chức trong nước.
Ngày 30/11/2021, Công ty TNHH Ngọc Thiên đã phát hành 5 triệu trái phiếu để “gom” 500 tỷ đồng. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố rất sơ sài về thông tin về đợt phát hành trái phiếu của Ngọc Thiên. Không có báo cáo kinh doanh, không có trái chủ hay lãi suất của đợt phát hành.
Doanh thu khủng hơn chục ngàn tỷ, lợi nhuận “hạt tiêu” vài tỷ nhờ xử lý công nợ?
Vào cuối tháng 11/2010 CTCP Tập đoàn Ngọc Thiên Global (Ngọc Thiên Global) được thành lập, có trụ sở chính tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Trịnh Phan Thiên. Doanh nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là công nghiệp và công nghệ.
Được biết, Ngọc Thiên Global đã có nhiều lần điều chỉnh vốn điều lệ từ khi thành lập đến nay. Cụ thể, tháng 3/2017, doanh nghiệp tăng mạnh vốn từ 7,5 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm 4 cá nhân, trong đó: ông Trịnh Phan Thiên là cổ đông lớn nhất, sở hữu cổ phần chi phối với 98% vốn điều lệ và bà Đỗ Hồng Hạnh nắm giữ 1%. Hai cổ đông còn lại gồm bà Nguyễn Thị Ánh và ông Nguyễn Văn Thành cùng sở hữu 0,5% vốn doanh nghiệp.
Thế nhưng, doanh nghiệp bất ngờ điều chỉnh quy mô vốn xuống còn 50 tỷ đồng chỉ ngay sau đó 3 tháng.
Vốn điều lệ của Ngọc Thiên Global đến tháng 12/2020 ở mức 990 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này không được công bố.
Những năm gần đây, quy mô tài sản của doanh nghiệp liên tục tăng trưởng. Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của Ngọc Thiên Global đạt 1.414 tỷ đồng, cao gấp hơn 36,6 lần so với cuối năm 2016.
Ở giai đoạn mở rộng quy mô tài sản, Ngọc Thiên Global cũng ghi nhận sự tăng trưởng từ doanh thu khi tăng từ mức 67 tỷ đồng (năm 2016) lên mức 361,4 tỷ đồng (năm 2019).
Tuy nhiên, chưa thực sự có khả quan về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khi doanh thu "khủng" nhưng lợi nhuận lại "bé hạt tiêu", thậm chí thua lỗ.
Lãi sau thuế của Ngọc Thiên Global đạt được cũng chỉ vỏn vẹn 416 triệu đồng vào năm 2019. Trong năm 2017, doanh nghiệp này còn báo lỗ hơn 915 triệu đồng.
Không dừng ở đó, đến năm 2020 doanh thu giảm gần 53% so với năm trước đó, về mức 191,2 tỷ đồng kéo theo khoản lãi sau thuế cũng giảm còn 191,7 triệu đồng.
Thêm vào đó, Công ty TNHH Ngọc Thiên (Ngọc Thiên) là công ty con gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Phan Thiên cũng có kết quả kinh doanh chưa thực sự tương xứng với doanh thu nghìn tỷ mỗi năm.
Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 672,2 tỷ đồng, trong đó Ngọc Thiên Global sở hữu hơn 90,2% vốn. Các cổ đông cá nhân khác gồm: bà Tạ Thị Tấn (2,975%), ông Trịnh Phan Diển (2,381%) và ông Trịnh Phan Thiên (4,417%). Điều đặc biệt là cả 3 cá nhân này đều có cùng địa chỉ thường trú.
Được biết, doanh thu của Ngọc Thiên cũng giống công ty mẹ, đạt nghìn tỷ mỗi năm, ở mức "khủng" so với nhiều ông lớn đầu ngành nhưng trong mấy năm trở lại đây lại duy trì khoản lãi "đì đẹt" trong mấy năm trở lại đây.
Cụ thể, Ngọc Thiên báo doanh thu thuần lên tới gần 2.640 tỷ đồng vào năm 2019, tăng 24% so với năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế cũng chỉ vỏn vẹn ở mức 2,2 tỷ đồng, đi ngang so với mức lợi nhuận 2,1 tỷ đồng năm 2018.
Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí giá vốn "ngang ngửa" với doanh thu khiến lợi nhuận của doanh nghiệp này gần như "mất hút".
Đến năm 2020, giá vốn chiếm đến 98% doanh thu khi lần lượt ở mức 1.908 tỷ đồng và 1.947 tỷ đồng, từ đó dẫn đến lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Ngọc Thiên tính đến năm 2020 ở mức 900,8 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn là 565 tỷ đồng, hàng tồn kho là 54,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý không chỉ ở lượng vốn huy động lớn, CTCP Ngọc Thiên Global còn gây chú ý bởi Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với sự đột biến trong tất cả các chỉ tiêu tài chính.
Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất của Ngọc Thiên Global, tại thời điểm cuối năm 2021 tổng tài sản đạt gần 15.183 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ở mức 3.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ riêng khoản phải thu ngắn hạn đã lên tới 13.841 tỷ đồng (tăng 430% so với đầu năm) chiếm 92% tổng tài sản.
Được biết, nguồn vốn của công ty này được tài trợ chủ yếu từ phải trả người bán ngắn hạn (gần 10.300 tỷ đồng - tăng gần 10 lần so với cùng kỳ), phải trả ngắn hạn khác (gần 2.430 tỷ đồng).
Không chỉ thế, các khoản phải trả cũng được ghi nhận phần lớn với chính các công ty phát sinh các khoản phải thu bên trên.
Ngoài ra, hơn 1.700 tỷ đồng cổ đông được công ty ghi nhận đóng góp chờ tăng vốn. Vốn góp của chủ sở hữu vẫn ở mức 990 tỷ đồng, không thay đổi.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Ngọc Thiên Global, doanh thu thuần năm 2021 đạt gần 12.000 tỷ đồng (tăng gấp 6 lần so với năm 2020). Tuy vậy, giá vốn cũng lên tới 11.920 tỷ đồng và lợi nhuận gộp chưa đầy 32 tỷ đồng. Cuối cùng, công ty “nghìn tỷ” này chỉ lãi sau thuế hơn 8 tỷ đồng.
Danh sách các bên phải thu của Ngọc Thiên Global và các công ty con tập trung vào một nhóm công ty gồm: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trung Thành, Công ty TNHH Thương mại Thuận Toan, Công ty TNHH Ắc quy Tùng Bách, Ắc quy Thuận Phát, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Bình Việt Nam, CTCP Global Win Group....
Với BCTC này, kiểm toán cho biết, tại thời điểm 31/12/2021 họ không được tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt và hàng tồn kho của Công ty. Thủ tục kiểm toán thay thế do họ thực hiện cũng không đảm bảo thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp. Theo đó, họ không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của các khoản mục nêu trên, cũng như ảnh hưởng của chúng (nếu có) đến các khoản mục khác có liên quan được trình bày trên BCTC kết thúc ngày 31/12/2021 của công ty.