Cụ thể, Công văn 437/UBND-NC của UBND TP Hà Nội gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu kiên quyết xử lý đối với cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC; công khai 100% các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC , coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ảnh minh họa. (Nguồn:ITN)
UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố và chính quyền địa phương tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn.
Định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện.
Qua đó, xử lý dứt điểm đối với cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC có hiệu lực và các công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, công trình xây dựng không phép, trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đê, đường sắt, rừng, lưới điện cao áp.
Ngoài ra, thành phố yêu cầu các ban, ngành công khai 100% các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và nhân dân cùng tham gia giám sát.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến 2021, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó 19 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy trên địa bàn khiến 38 người chết, 82 người bị thương, thiệt hại khoảng 272 tỉ đồng. Riêng năm 2022, thành phố xảy ra 386 vụ cháy, làm 23 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 19 tỉ đồng.
Trước thực trạng nêu trên, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC.
Kế hoạch có 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm 2022), thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Tiếp đó, thành phố sẽ phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực… rồi yêu cầu 100% chủ đầu tư cam kết xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện
Giai đoạn 2 (năm 2023), Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện; vận động, tuyên truyền, đôn đốc cơ sở thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình đã cam kết và bảo đảm ít nhất 30% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Ở giai đoạn 3 (năm 2024), Hà Nội đặt mục tiêu ít nhất 70% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh phải hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC.
Giai đoạn 4 (năm 2025), mục tiêu là 100% số cơ sở phải hoàn thành việc khắc phục tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…