Tạ Nhị ·
1 năm trước
 9036

Sẽ không còn phân hạng giấy phép lái xe A1 và B2

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thay đổi phân hạng giấy phép lái xe so với quy định cũ.

Không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC

Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đang được lấy ý kiến, sẽ thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) so với quy định cũ, tức sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành.

Cụ thể, tại Điều 39 dự thảo Luật TTATGT đường bộ, GPLX sẽ được phân hạng mới lại như sau: Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50-175cm3 hoặc động cơ có công suất định mức tương đương.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 39 của Dự thảo thì giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:

- Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 175 cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương;

- Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2;

- Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2;

- Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2;

- Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;

- Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

- Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;

- Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2;

- Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;

- Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;

- Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc;

- Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;

 Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.

Riêng đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A2; người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B.

(Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 thì giấy phép lái xe có các hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC)

Giấy phép lái xe hạng A2, A, A3 không thời hạn

Dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng quy định thời hạn của GPLX. Cụ thể, GPLX hạng A2, A, A3 không thời hạn. GPLX hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. GPLX hạng C1, C, D2, D, BE, C1E, CE, D2E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Ngoài ra, Dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định GPLX đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được tiếp tục sử dụng, đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 (GPLX được cấp lại), 3 (GPLX được đổi) Điều 43 dự thảo Luật thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.

Theo đó, GPLX hạng A1, A2, A3, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được đổi, cấp lại như sau:

GPLX hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng; GPLX hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A1; GPLX hạng A đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A2; GPLX hạng B đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng B1, B2.

GPLX hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng D; GPLX hạng D đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng E; GPLX hạng BE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FB2; GPLX hạng CE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FC.

GPLX hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FD; GPLX hạng DE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FE.

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 24, diễn ra từ ngày 12-14.7.

Theo cơ quan soạn thảo, luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo luật quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Đồng thời chịu trách nhiệm trong quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ; trong quản lý vận tải đường bộ và quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6623513894374977/