Tạ Nhị ·
1 năm trước
 6821

Số phận Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 ra sao?

Dự án nhiệt điện chạy than trị giá hơn hai tỷ đô la tại tỉnh Quảng Trị đã phải chấm dứt thực hiện vì những khó khăn về thu xếp nguồn vốn và những cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam với quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi).

Ngày 11/4, UBND tỉnh Quảng Trị và Egati đã có cuộc họp trực tuyến bàn về "số phận" của dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1.

Tại cuộc họp, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Egati thống nhất các giải pháp tháo gỡ, nhằm tránh thiệt hại cho phía chủ đầu tư và địa phương về dự án nhà máy nhiệt điện nói trên.

Đồng thời, sớm có biên bản xác nhận giữa 2 bên về những nội dung công việc mà Quảng Trị đã triển khai thực hiện như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư… trước khi EGATi gửi văn bản đến Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương về việc dừng dự án.

Ngoài ra, đề nghị EGATi sớm có văn bản thể hiện quan điểm chính thức về việc chấm dứt triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị.

Theo ông Bundit Umpornsrisupap, Phó Chủ tịch Điều hành, Quyền Tổng Giám đốc của EGATi, cho biết, tháng 10/2022 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Năng lượng Việt Nam – Thái Lan lần thứ 2 tổ chức tại Thái Lan, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng Thái Lan đã có cuộc họp song phương về tiến độ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị do EGATi làm chủ đầu tư.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn và các cam kết đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Lan đã xác nhận dừng phát triển dự án và sẽ sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.

Tiếp nhận những đề xuất của tỉnh Quảng Trị, phía EGATi đồng ý thảo luận để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới và tích cực đốc thúc hoàn thiện các thủ tục sớm có văn bản trả lời. Việc dừng dự án là điều không mong muốn, EGATi kỳ vọng thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quảng Trị để triển khai những dự án khác, mang hiệu quả cho cả 2 bên.

Từ nội dung tại cuộc họp trực tuyến nói trên, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc thống nhất chấm dứt triển khai dự án. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Egati sớm có văn bản chính thức phản hồi những đề xuất của tỉnh.

Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 được khởi công hồi tháng 11/2019 rồi sau đó lại "đắp chiếu".

Được biết, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư theo hình thức BOT từ tháng 8/2013. Dự án có tổng công suất đạt 1.320MW, gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660MW, dự án có tổng mức vốn đầu tư trên 55.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị tin tưởng nếu được sự ủng hộ của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Thái Lan, các dự án năng lượng tại Quảng Trị có thể cung ứng sản phẩm cho không chỉ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, trong đó có Lào, Thái Lan qua tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC).

Để thực hiện dự án, tỉnh Quảng Trị công bố quy hoạch nhà máy nhiệt điện tại xã Hải Khê (huyện Hải Lăng). Hơn 150 hộ dân trong vùng dự án 9 năm qua không được sửa chữa nhà cửa. Cạnh đó, đường bê tông, điện thắp sáng, kênh mương thoát nước không được đầu tư, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đời sống dân sinh khó khăn, việc đi lại, buôn bán không thuận tiện.

Hiện nay, dự án này vẫn nằm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vận hành thương mại giai đoạn 2026-2030. Quảng Trị mong muốn giữ nguyên dự thảo quy hoạch này và tìm kiếm nhà đầu tư hoặc loại hình nhiệt điện khác thay thế vào dự án trên.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết vẫn định hướng phát triển Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung, nhưng sẽ khuyến khích những dự án ít gây tác động xấu đến môi trường.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận với quốc tế nhằm giúp Việt Nam cắt giảm sử dụng than và chuyển từ than sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Theo thỏa thuận này, các nước công nghiệp phát triển G7 và các đối tác quốc tế cam kết huy động 15,5 tỷ đô la từ guồn tài chính công và tư nhân trong từ ba đến năm năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi cho Việt Nam.