1.000 ha lúa bị ảnh hưởng
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 8/2 đến 1/3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn huyện Long Phú và Kế Sách.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo cho biết, tình hình xâm nhập mặn mùa khô tại Sóc Trăng năm 2023-2024 sớm và ở mức cao hơn so với cùng kỳ mùa khô năm 2022-2023; mặc dù chưa nghiêm trọng như xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020 nhưng dự báo tình hình nắng nóng còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ hạn mặn tiếp tục ảnh hưởng sâu vào nội đồng trong những ngày tới là rất lớn.
Về thiệt hại, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, do làm sớm việc phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân 2023-2024.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Do giá lúa tăng cao trong thời gian qua, mặc dù đã có khuyến cáo nhưng một số bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất lúa đông xuân muộn (vụ 3) vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.
Theo đó ghi nhận có khoảng 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn.
Tại huyện Long Phú ở vụ Đông Xuân muộn ghi nhận có gần 600 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước và ngộ độc phèn. Trong đó, ít nhất 33 ha lúa trồng muộn bị thiệt hại hoàn toàn trong giai đoạn đẻ nhánh 30-40 ngày sau sạ.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tại chuyến khảo sát thực tế tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn nặng như huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung đã yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn, ngành nông cần quan tâm đến các giải pháp lâu dài.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như tiết kiệm nước trong sản xuất; phát huy các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, thực hiện thường xuyên liên tục việc rà soát, nạo vét kênh, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã liên tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân ứng phó với xâm nhập mặn, chủ động phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch nhất là các điểm xung yếu đầu các cống đầu nguồn lấy nước phục vụ sản xuất; phối hợp với các đơn vị trong ngành có kế hoạch sản xuất đối với các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, dịch chuyển lịch thời vụ để tránh mặn.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng yêu cầu ngành nông nghiệp thực hiện tốt việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, khuyến cáo đến nông dân về tình hình hạn, mặn; đồng thời, nghiên cứu lựa chọn giống cây trồng có hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, chịu hạn mặn để triển khai đến hộ dân.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ 10/3-14/3, từ 24-28/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 10-13/3, từ 24-28/3, từ 08-13/4, từ 22-28/4). Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo chung về xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. |