Theo đó, Vietcombank vẫn là quán quân toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Nếu so với kế hoạch 43,000 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, Vietcombank đã thực hiện được 48% sau 2 quý đầu tiên.
Đáng chú ý, chất lượng nợ vay của Vietcombank lại đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2023 là 9,783 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng đột biến lên 3,187 tỷ đồng, gấp 7.7 lần đầu năm. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 0.68% của đầu năm lên 0.83%. Nợ khó đòi đã xử lý của Vietcombank tính đến cuối quý 2 ghi nhận hơn 62,346 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.
Tính đến sáng 31/7/2023, SHB là ngân hàng duy nhất ghi nhận số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa
Với mức lãi trước thuế hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, BIDV có bước nhảy ngoạn mục, từ vị trí thứ 6 cùng kỳ năm ngoái vươn lên vị trí á quân trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, chất lượng nợ vay của BIDV đi lùi khi tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2023 hơn 25,970 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1.16% của đầu năm lên 1.59%.
Đứng thứ 3 là MB với lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. MB cũng gây ấn tượng mạnh về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, đạt 37%, cao nhất hệ thống.
Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng nhẹ so với cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ghi nhận mức 1,33% (bao gồm trái phiếu tổ chức kinh tế), trong đó riêng ngân hàng là 1,12% và thấp hơn so với mức 1,76% cuối quý I.
Tiếp đến vị trí thứ 4 thuộc về VietinBank với khoảng cách rất sát với MB, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Tổng nợ xấu của ngân hàng này tính đến 30/06/2023 là gần 17,309 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong khi nợ có khả năng mất vốn sụt giảm 13% thì nợ nghi ngờ tăng 51%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng nhẹ từ mức 1.24% của đầu năm lên 1.27%.
Techcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 5, đạt hơn 11.200 tỷ đồng trong 6 tháng, giảm 20% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng âm nhưng kết quả này vẫn đang theo đúng dự kiến của ngân hàng, đạt 51% kế hoạch cả năm.
Tổng nợ xấu tại thời điểm 30/06/2023 của Techcombank tăng 65% so với đầu năm, lên mức 5,002 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0.72% đầu năm lên 1.07%. Nợ khó đòi đã xử lý tại ngày 30/06/2023 là 48,567 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm.
Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng là ACB với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Nếu không tính đến 3,596 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH chứng khoán ACB, tổng nợ xấu tính đến 30/06/2023 của ACB là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2.12% đầu năm lên 2.3%.
Vị trí thứ 7 – 8 – 9 lần lượt là SHB (6.073 tỷ), VIB (5.642 tỷ) và HDBank (5.484 tỷ). Cả 3 ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của SHB ghi nhận giảm 3,4% so với đầu xuống 10.481 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này từ mức 2,81% xuống còn 2,57%. Đến thời điểm sáng ngày 31/7, SHB là ngân hàng duy nhất ghi nhận số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm trong nửa đầu năm 2023.
Với VIB, tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VIB chỉ tăng nhẹ hơn 1,17%. Nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) giảm mạnh 24,4% song nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 đều tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ xấu của VIB tính đến 30/6/2023 là 3,6%, tăng so với mức 2,45% cuối năm ngoái.
Còn HDBank, hòa chung tình hình của cả ngành, tính đến 30/06/2023, tỷ lệ xấu/dư nợ ngân hàng tăng từ mức 1.67% đầu năm lên 2.15%.
Mới đây, ông Trần Ngọc Báu, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành WiGroup đã đưa ra dự báo, nợ xấu của ngành ngân hàng có thể sẽ đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2024 nếu như không có những biến động lớn trong kinh tế toàn cầu.
Theo vị này, xét về tổng thể thì áp lực nợ xấu của ngân hàng là rất lớn và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh trong năm 2023, sự kỳ vọng sẽ được dồn vào năm 2024. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc phần lớn vào sự phục hồi của kinh tế trong nước, thị trường bất động sản và sức tiêu dùng của các nền kinh tế lớn, những điểm mà đến lúc này chúng ta vẫn chưa thấy nhiều điểm sáng.