Đinh Hà ·
2 năm trước
 9150

Sợi tơ làm từ nguyên liệu thực vật bền vững

Hàng năm có hơn 500 triệu tấn quần áo thải ra môi trường, trong đó chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ đưa vào bãi rác. Hầu hết các quần áo thải ra môi trường đều được làm từ loại vải cotton, một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm rác thải nhựa gây đau đầu toàn cầu hiện nay. Sợi tơ làm từ nguyên liệu thực vật bền vững là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Sợi tơ làm từ cây chuối

Cây chuối là một loài cây đa năng, từ xưa ông bà ta đã sử dụng chúng  hết từ gốc đến ngọn. Ngoài những món ăn tạo nên từ cây chuối, ta còn có thể tạo ra sợi tơ từ thân cây chuối từ nhiều năm trước, được người Trung Hoa hết lòng ca ngợi và đặt tên là “vải Giao Chỉ” – “loại vải mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì mát lắm”.Ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải gọi là tiêu cát, dễ rách, nhưng đẹp, màu vàng nhạt”. 

vải sợi chuối

Vải sợi tơ chuối.

Vải được làm từ sợi chuối có độ mềm và dẻo dai, cũng như độ thoáng khí và thấm hút tự nhiên cùng khả năng phân huỷ sinh học cực kỳ tốt. Nó được đánh giá là tốt hơn cả lụa. Về hướng bền vững, vải từ sợi chuối có thể thay thế cho cotton và vải tơ tằm.

Để sản xuất ra sợi chuối từ thân cây chuối, những thân cây chuối sẽ được tước vỏ cây thành từng lớp mỏng và được nấu sôi trong dung dịch kiềm để mềm và rã, sau khi rã thì bỏ vào máy để tách sợi, những sợi này phải được giữ ướt để tránh bị đứt hoặc gãy. Cuối cùng là nhuộm màu cho sợi hoặc dệt thành vải.

Để tạo ra một loại vật liệu chất lượng cao có thể được sử dụng cho các ứng dụng khác nhau, độ mịn của sợi quyết định độ dày của sợi, vì sợi mịn hơn được sử dụng cho quần áo, sợi cấp trung bình được sử dụng cho khăn trải bàn, rèm cửa và vỏ đệm, trong khi sợi thô hơn, dày hơn được sử dụng để dệt giỏ, thảm trải sàn và túi.

tơ chuối

Sản phẩm làm từ tơ chuối.

Sợi chuối kéo thành sợi và vải dệt từ chuối có độ thấm cao, có khả năng chống cháy và vì quá trình xử lý chúng không liên quan đến hóa chất nên chúng hoàn toàn có thể phân hủy sinh học. Ngoài ra sợi tơ này được ưa chuộng có khả năng thay thế cho các loại sợi khác vì nó thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu chí phát triển bền vững mà thế giới ngày càng hướng đến.

Sợi tơ làm từ cây sen

Từ xa xưa, sen là một trong những biểu tượng văn hóa đẹp trong đời sống người Việt, bởi đây là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp trong sáng, cao sang và thuần khiết. Người dân Việt đã tận dụng hầu hết các bộ phận của cây sen, làm ra những sản phẩm hữu ích trong nhiều lĩnh vực phục vụ cuộc sống từ nghệ thuật cho đến đời sống hằng ngày như thức ăn. Đặc biệt, cây sen còn có thể se thành sợi tơ phục vụ nhu cầu hằng ngày.

sợi tơ sen

Sợi tơ làm từ cây sen.

Để làm ra chiếc khăn lụa tơ sen dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất đến một tháng trời. Do những yêu cầu phức tạp và sự kỳ công trong các công đoạn nên giá thành các sản phẩm lụa tơ sen rất cao.

Quy trình làm sợi tơ sen vô cùng kỳ công và tỉ mẩn. Cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không cọng bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn, có thể ngâm cuống sen trong nước bảo quản từ 2-3 ngày, tuy nhiên chất lượng tơ sen sẽ không còn tốt nhưng ban đầu nữa.

Sau khi rửa sạch cuống sen thì dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo, không cắt quá sâu nếu không sẽ làm đứt luôn sợi tơ bên trong. Lụa tơ sen không được nhuộm nhiều mà thường hay để màu mộc, gồm hai màu ngà vàng và nâu. Khăn, áo… từ lụa tơ sen thường không mịn, nhẵn và đẹp mắt như lụa tơ tằm, nhưng khá nhẹ và xốp.

tơ sen

Kéo tơ sen từ cuống sen, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại.

Các sản phẩm làm từ lụa sen rất đẹp và có nhiều ưu điểm nổi bật như độ mịn màng, êm dịu của sợi tơ sen và đặc biệt là sự tinh khiến của nó mà không có loại tơ nào có thể so sánh được. Lụa sen không chỉ mềm mại, mát mẻ, nhẹ như lụa tơ tằm mà còn có ưu điểm là xốp, thấm nước. Lụa có màu trắng ngà hoặc nâu nhạt vì nghệ nhân rất hạn chế nhuộm, nên có mùi hương dịu nhẹ đặc trưng của sen. 

Ngoài ra, lụa tơ sen còn rất tốt cho da, giúp tinh thần người mặc luôn cảm thấy thoải mái, an nhiên vf có khả năng chống tia UV cao. Thành phần sợi sen thiên nhiên hoàn toàn có khả năng tự phân hủy trong đất, nên không gây ô nhiễm môi trường.

Sợi tơ làm từ lá dứa

Ngoài cây sen và cây chuối, dứa (thơm, khóm) cũng là một nguyên liệu xanh bền vững có thể tạo ra sợi tơ. Chất liệu vải từ lá dứa được chú ý bởi vẻ diễm lệ mà nó đem lại. Dứa là loại trái cây được trồng để lấy quả nên việc sử dụng lá để tạo ra sợi tơ bền vững - một trong những cách loại bỏ da và vải tổng hợp. 

sợi tơ từ lá dứa

Sợi tơ từ lá dứa.

Dứa là loại trái cây địa phương tại Brazil, thực dân Tây Ban Nha mang chúng đến Philippines và người dân đã vận dụng nghề thêu gia truyền tại địa phương để biến những thớ dứa thành những sợi tơ piña mỏng nhẹ như sa.

Lá dứa sau khi thu hoạch sẽ bị tước bỏ các cạnh gai, sau đó sử dụng miểng sứ chài bỏ gai, để lộ thớ dứa ra ngoài. Sau cùng, họ thay miểng sứ bằng miếng vỏ dừa nhẹ nhàng hơn. Khi những sợi tơ mảnh như tóc xuất hiện, chúng được gột rửa hoàn toàn trong “nước sông thuần khiết” để loại bỏ đường glucose còn sót lại.

Sau khi hong khô, thớ dứa vòng lộn với nhau, dính chặt thành chỉ mành và được dệt thành vải. Người dân phải mất thêm nhiều tháng ròng nữa mới có thể thu “vụ” vải tiếp theo. Một kg lá có thể cung cấp tới 15-18 sợi màu trắng, màu kem, dài khoảng 60 cm mỗi sợi. Đây là một quá trình chậm đòi hỏi nhiều lao động tay thường có thể liên quan đến tổng số 30 người.

Vải sợi tơ dứa

Vải sợi tơ dứa.

Cần lưu ý rằng, trong quá trình này, xơ được chia thành hai loại: chất xơ cứng và thô để làm các vật dụng gia đình như thảm, và xơ vải sợi rất mịn nên phù hợp để dệt vải. Các loại vải dệt bằng sợi dứa theo thời gian sẽ sẽ mềm hơn và chuyển thành màu be cổ điển, khiến nó trở thành vật liệu hoặc những thiết kế của nó có tính “gia truyền”

Bản thân sợi dứa tạo ra một chất liệu cứng, có trọng lượng nhẹ, hoàn hảo để sử dụng ở vùng khí hậu cận nhiệt đới cho các trang phục, đặc biệt là những trang phục yêu cầu tính trang trọng, truyền thống. Nó hiện nay nổi tiếng nhất với tên gọi Piñatex, còn chất sợi nặng hơn sẽ được sử dụng làm chất thay thế da trong thời trang, giày dép và phụ kiện.

Các sản phẩm dệt may từ dứa đã từng phổ biến một thời, thế nhưng đã dần ngưng sản xuất đi bởi sự cạnh tranh của vải cotton công nghiệp có giá thành thấp. Trong 20 năm trở lại đây, vải dứa bắt đầu được hồi sinh vì nhu cầu cho các loại vải bền vững, thân thiện ngày một tăng lên và vải dứa trở thành một lựa chọn lý tưởng.

Sợi tơ từ vỏ cam

Vỏ cam tưởng chừng như chỉ có thể tái chế thành phân bón hữu cơ, thế nhưng nay lại có thể "biến hoá" thành sợi tơ. Vải làm từ sơi tơ cam siêu nhẹ và rất mềm mại, thậm chí còn có thể làm thành vải dệt kim.

Adriana Santanocito, sinh viên ngành thiết kế tại Milan Adriana đã nảy ra ý tưởng tận dụng vỏ cam - loại rác hữu cơ rất phổ biến để sản xuất vải phục vụ trong ngành thời trang.

Sợi tơ từ vỏ cam.

Sợi tơ từ vỏ cam.

Cellulose được chiết xuất từ những chiếc vỏ cam bị loại bỏ từ quá trình ép và chế biến cam. Nhờ công nghệ nano và tinh dầu vốn có trong phần vỏ cùng với việc sử dụng thuốc thử hóa học, chất cellulose này có thể biến thành sợi vải và có thể mang lại cảm giác mềm mại và không nhờn dính cho da.

Ý tưởng sáng tạo này có tiềm năng mang lại sự bền vững trong ngành dệt may, giải quyết được vấn đề môi trường của chất thải từ quy trình chế biến cam quýt và mang lại cơ hội việc làm ở một vùng khó khăn.

Sợi tơ từ vỏ ngô

Ngô là một loại nông sản chứa hàm lượng lớn tinh bột và cũng là thức ăn phổ biến của người dân Châu Á, tuy nhiên, sau khi lấy quả, người ta thường bỏ đi phần vỏ ngô. Đây là yếu tố khiến vỏ ngô có thể được sử dụng làm thành sợi vải. Sợi tơ làm từ vỏ ngô có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên, các sản phẩm tạo ra sẽ thân thiện với môi trường và có thể tái chế.

bắp

Sợi tơ làm từ vỏ ngô có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên, các sản phẩm tạo ra sẽ thân thiện với môi trường và có thể tái chế. (Nguồn: DimaSobko/Getty Images)

Vỏ ngô sau khi bị vứt đi sẽ được thu gom về nhà máy xử lý sợi, máy trộn sợi sẽ tách và trộn các vỏ và xơ ngô từ các kiện hàng khác nhau tạo nên hỗn hợp gần giống như sợi, lúc này gọi là sợi thô. Sau đó các sợi thô sẽ được đưa vào máy chải kĩ để tạo nên những sợi chỉ và phân chia thành từng lớp với độ mượt mà cao hơn, chúng sẽ có được sự đồng đều, độ mịn, mảnh và bền bỉ cao hơn. Các sợi chỉ được gấp đôi và kết lại với nhau để tạo ra các sợi tơ chỉ song song sao cho đồng đều nhằm kiểm soát tốt hơn.

Tiếp theo là giai đoạn quan trọng - Xoắn sợi, đây là quá trình trung gian trong quá trình chuyển đổi sợi xơ thành sợi chỉ, các sợi xơ được xoắn lên suốt chỉ giúp việc vận chuyển thuận tiện hơn và tránh hư hỏng.Cuối cùng là kéo sợi, các sợi sẽ được kéo và kết lại để tạo nên sợi chỉ hoàn chỉnh.

sợi tơ từ vỏ ngô

Sợi tơ từ vỏ ngô.

Sợi xơ ngô có cấu trúc ở dạng sợi với nhiều mức độ dày khác nhau, từ siêu mỏng đến các sợi to. Điều này khiến sợi tơ có khả năng tạo nên chất vải nhẹ nhàng và mảnh để sử dụng trong nhiều trường hợp riêng biệt.

Sản phẩm dệt từ sợi ngô sẽ có sự cân bằng giữa độ bền, cảm giác thoải mái, mềm mại và mịn màng. Ngoài ra, sợi ngô còn có khả năng chống cháy tự nhiên và không sử dụng chất phụ gia hóa học hoặc chất xử lý bề mặt. Bên cạnh đó, sợi tơ làm từ ngô có khả năng chống ẩm vượt trội và lưu mùi thấp, tạo cảm giác thoải mái và tự tin cho người mặc. Sợi tơ ngô nổi bật ở khả năng chống tia UV, giữ được độ bền màu và có độ bền bỉ.