Hà Lan ·
3 năm trước
 4739

Sông Cầu bao giờ hết ô nhiễm?

Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tại sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Dù nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định từ lâu, song việc “giải cứu” dòng sông ô nhiễm vẫn bất khả thi.

Tình trạng ô nhiễm đã kéo dài hàng chục năm

Hàng chục năm vừa qua, quá trình phát triển mạnh mẽ của các làng nghề, cụm công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh đã khiến cho suy thoái và ô nhiễm ở nhiều nơi trên lưu vực sông Cầu liên tục gia tăng đến mức báo động.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, trên địa bàn lưu vực sông Cầu có 48 khu công nghiệp, 84 cụm công nghiệp, 141 làng nghề, 246 cơ sở y tế và hơn 3.500 doanh nghiệp nhà nước, cơ sở tư nhân hoạt động ở hầu hết các loại hình công nghiệp, thủ công nghiệp. Xả thải chủ yếu từ các loại hình: Sản xuất kinh doanh (68,88%), khu cụm công nghiệp (6,23%), làng nghề (24,25%) và nước thải y tế (0,64%).

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, thì có tới 39 làng nghề có nguồn thải ảnh hưởng trực tiếp trên lưu vực sông Cầu thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn, TP.Bắc Ninh... Một số làng nghề phát sinh nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh), phát sinh khoảng 10.000m³/ngày, đêm; Làng nghề làm bún Khắc Niệm (TP.Bắc Ninh), phát sinh khoảng 3.500m³/ngày, đêm; Làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du), phát sinh khoảng 4.000m³/ngày, đêm; Làng nghề nấu rượu Đại Lâm (huyện Yên Phong), phát sinh khoảng 2.500m³/ngày, đêm... Ngoài ra, một số làng nghề tái chế kim loại cũng có nguồn thải lớn chủ yếu là nước làm mát và nước thải lẫn với chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường như làng nghề tái chế thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn), làng nghề tái chế nhôm Văn Môn (huyện Yên Phong).

Cá chết trắng dạt hai bên bờ sông. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề chủ yếu là do các hợp chất vô cơ độc hại như axit, bazơ, muối, kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, tẩy, nhuộm. Đây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, trong đó, chất tẩy và màu nhuộm, phèn… được xếp vào loại nước thải nguy hiểm nhất trong các loại nước thải. Những chất này không những tác động đến nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Đồng thời, chúng còn làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động thực vật thuỷ sinh, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân vùng lân cận.

Báo cáo mạng quan trắc môi trường hàng năm về kiểm tra, giám sát môi trường tại các làng nghề cho thấy môi trường nước ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng, kết quả phân tích chất lượng nước vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép nhiều lần. Tại một số làng nghề ở TP.Bắc Ninh, kết quả phân tích các mẫu nước thải có các chỉ tiêu phân tích (BOD5, COD, Amoni…) đều vượt QCQG về chất lượng nước thải. Đơn cử như làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hàm lượng BOD5 cao hơn QCVN từ 10 - 20 lần, COD cao hơn QCVN từ 15 - 24 lần; Làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, hàm lượng COD cao hơn QCVN từ 9 - 15 lần...

Vẫn là những lời... kêu cứu

Trong công văn gần đây nhất, ngày 5/2/2021, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Cầu.

Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trên sông Ngũ Huyện Khê (đầu nguồn sông Cầu) thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.

Theo Bộ NN&PTNT, nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt…; đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê 1, Phong Khê 2 (thành phố Bắc Ninh).

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Ngày 22/2/2021, Bộ TN&MT cũng có Công văn số 757 đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, trước mắt dừng ngay việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu qua cống tiêu Đặng Xá.

Kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá hợp lý, bảo đảm dòng chảy, không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông. Đồng thời phối hợp chặt chẽ và thông tin cho UBND tỉnh Bắc Giang trước khi điều chỉnh cống tiêu Đặng Xá xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu.

Tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra đột xuất xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp (CCN) Phong Khê và CCN Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; xử phạt nghiêm đối các cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, từ ngày 30/4 - 2/5/2021, người dân sống ven sông Cầu thuộc địa phận các xã: Vân Hà, Ninh Sơn thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; khu Đương Xá 1, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh lại bị “tra tấn” từ nguồn xả thải ồ ạt qua cống tiêu Đặng Xá, phường Vạn An, TP.Bắc Ninh. 

Trước thực trạng đó, ngày 4/5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang có Văn bản 1431 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang. 

Được biết, các nhà máy nước hiện đang phải lấy nguồn nước mặt từ lưu vực sông Cầu để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân: Nhà máy nước Đáp Cầu (Bắc Ninh), Nhà máy nước sạch Việt Yên (Bắc Giang), Nhà máy nước Hà Bắc, Nhà máy Vân Hà và Nhà máy nước sạch Quang Châu.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt nam cho rằng, nếu vẫn giữ tư duy từng tỉnh xử lý riêng lẻ sẽ rất khó xử lý vấn đề ô nhiễm nước sông Cầu do sông Cầu là 1 con sông liên tỉnh nên đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết.

 “Theo tôi, cần phải chia ra để mỗi tỉnh, từ đầu nguồn đến cuối nguồn phải đảm bảo nguồn nước được giải quyết về mặt ô nhiễm khi xả xuống phía cuối nguồn sang tỉnh khác không còn ô nhiễm mới được”, TS. Trương Mạnh Tiến nói.

 

 

Nguồn