Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 5590

Startup nhựa sinh học iGreen: 'Chúng tôi muốn tưới cả cánh đồng'

Hiện nay, thân thiện và bảo vệ môi trường đang là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn. Việc startup hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một điểm sáng trong thực trạng trái đất đang nóng lên gây ra nhiều hệ luỵ biến đổi khí hậu ngày nay. Công ty iGreen đã lên sàn Shark Tank và đã thành công kêu gọi vốn từ Shark Liên. Liệu đây sẽ là một giải pháp mới về hạt nhựa sinh học trong công cuộc bảo vệ môi trường ở nước ta?

Tập 10 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" đã chứng kiến sự xuất hiện của một startup trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường - Công ty TNHH Công nghệ phát triển iGreen.

Công ty TNHH Công nghệ phát triển iGreen do 2 ông Đoàn Văn Tùng và Tô Quốc Bình đồng sáng lập. 2 ông đến với Shark Tank kêu gọi 25 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần công ty. Được biết, toàn bộ số tiền đầu tư sẽ dùng để mua sắm dây chuyền sản xuất tạo hạt nguyên liệu phân huỷ sinh học của Châu Âu.

startup nhựa sinh học iGreen

IGreen mang đến các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn được cấu thành từ nguyên liệu gốc thực vật tái tạo hoàn toàn thân thiện với môi trường, qua đó góp phần giúp cộng đồng giảm thiểu tác hại đến từ các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy.

Hạt nhựa sinh học của iGreen được sản xuất từ nguyên liệu chính là tinh bột mì, tinh bột sắn của Việt Nam dựa trên nền Bio-PBS và PBAT. Hạt nguyên liệu này đã được chứng nhận TUV (chứng nhận an toàn sản phẩm trên toàn thế giới) chứng nhận với ba cấp độ kiểm tra: độ phân huỷ sinh học, kim loại nặng và độc tố sinh thái.

Tại Việt Nam, chỉ có 4 đơn vị được TUV cấp chứng nhận. Có 2 công ty đã thương mại hóa trên thị trường là một công ty ở Hà Nội và ở TP. Hồ Chí Minh là iGreen.

Về giá thành sản phẩm, ông Tùng cho biết hạt nhựa của công ty được ứng dụng cho 3 công nghệ khác nhau, tuỳ thuộc vào sản phẩm cuối, là công nghệ thổi đùn, công nghệ ép phun và công nghệ ép đúc.

Trong đó, giá thành thấp nhất dành cho công nghệ ép phun dao động từ 80.000 đồng đến 82.000 đồng/kg. Đối với ép phun, giá bán là khoảng 95.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Mức giá này tương đương với giá nhập khẩu từ nước ngoài.

Tháng 4/2020, iGreen đã bán được sản phẩm cho một số cửa hàng, hệ thống khách sạn với doanh số sản phẩm cuối khoảng 800 triệu đồng và biên lợi nhuận khoảng 15%. Ông Tùng giải thích sản phẩm cuối đang nhắc đến ở đây là bao bì và ống hút.

Tuy nhiên, mục đích cuối của iGreen là bán hạt nhựa nguyên liệu thay vì bán các sản phẩm cuối. Hiện tại, iGreen đang sản xuất sản phẩm cuối với mục đích giáo dục và thuyết phục thị trường.

"Nếu bán sản phẩm cuối thì iGreen chỉ tưới được một góc cánh đồng, chúng tôi muốn tưới cả cánh đồng", ông Tùng nhấn mạnh. 

Shark Liên đưa ra nhận định: "Hạt nhựa này tôi biết tiềm năng rất lớn. Nếu thực sự đầu tư nghiêm túc với những gì đang có bản quyền thì tôi nghĩ là nghìn tỷ cũng chưa ăn thua".

startup nhựa sinh học iGreen

"Nữ cá mập" cũng giới thiệu về lợi thế có đất để làm nhà xưởng, iGreen không cần đi thuê và hứa hẹn sẽ đem công nghệ ở Đức về cho startup vì có quen một viện nghiên cứu ở Leipzig, Đức.

"Và chúng ta sẽ là một team (đội ngũ) để đưa sản phẩm thực sự đúng theo tiêu chí đến môi trường, giảm bớt rác thải và cân bằng hệ sinh thái trên trái đất", Shark Liên kết luận.

Shark Liên đề nghị đầu tư 25 tỷ cho 49% cổ phần và cho biết sẽ tặng lại cho chồng. Shark lý giải: “Tôi muốn dành riêng cho người đàn ông trợ giúp, hỗ trợ tôi không có bất cứ điều kiện gì trong cuộc đời này để tôi có thể thăng hoa, được sống tự do với ước mơ của mình. Chồng tôi là người đàn ông rất tâm huyết với môi trường, lĩnh vực về hạt nhựa này".

Và ngày 6/11/2020, hội đồng Liên bang Đức đã thông qua sắc lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần từ tháng 7/2021. Sắc lệnh này phù hợp với quy định sẽ được thống nhất áp dụng trên toàn Liên minh châu Âu (EU) từ mùa hè 2021.

Do đó, iGreen là giải pháp mà nước Đức đang vô cùng cần đến. Trong khi đó, trên hàng ghế nóng, Shark Liên là cái tên có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư tại nước Đức, cũng như xem Đức là điểm đến chiến lược để giúp các startup bước chân vào Châu Âu.

Hiện tại, iGreen đã có một xưởng đặt tại Quận 12, TP.HCM với số tiền đầu tư 4 tỷ đồng. Nếu được đầu tư 25 tỷ đồng, iGreen mong muốn đặt nhà máy ở Bình Dương hoặc Đồng Nai với lợi thế nằm gần cảng Cát Lái để thực hiện xuất khẩu. Trong tương lai, mục tiêu của iGreen là có 50% doanh thu từ thị trường nội địa và 50% doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Theo thông tin từ Vietnambiz.vn/vtv.vn