Ngọc Sang ·
1 năm trước
 1530

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ mang lại lợi ích gì cho Việt Nam?

Tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước được nâng cao nhờ các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy tính, linh kiện, sản phẩm quang học.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 8 đầu năm nay chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tại Việt Nam tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học được ghi nhận mức tăng cao nhất so với cùng giai đoạn trong vòng 3 năm trở lại đây (11,3%).

Được biết, 8 tháng qua trong cơ cấu tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 39,6 tỷ USD (tương đương 15,7%), tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD (tương đương 14,3%) tăng 13,3%.

Hiện nay, các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Giá trị xuất khẩu nhóm này chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011 nhưng luôn tăng dần theo từng năm. Cho đến năm 2021, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam.

Trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 13,2 tỷ USD trong Quý I, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. EU, Mỹ, Trung Quốc là nơi tập chung các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này. Trong đó, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sang Mỹ tăng mạnh tới 17,2% (đạt gần 3 tỷ USD).

Nguồn: Internet

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê đánh giá, tính đến tháng 4 nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, vẫn chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp chọn nơi đây để dừng chân và phát triển. Do có lợi thế địa chính trị ổn định và kiểm soát dịch bệnh tốt, Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Đơn cử, 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng được Apple chuyển sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.

Được biết, Foxconn đã có kế hoạch thuê 50,5 ha đất tại KCN Quang Châu (Bắc Giang) để đầu tư dự án mới với số vốn 300 triệu USD và tuyên bố sử dụng 30.000 lao động địa phương.

Theo Nikkei Asian Review, Apple có mong muốn sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Apple Watch và MacBook được gia công ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang được Samsung xây dựng với tổng giá trị đầu tư 220 triệu USD tại Hà Nội.

Samsung cũng đang triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đồng Nai đã cấp phép đầu tư trong đầu năm nay cho hai dự án trị giá 100 triệu USD của công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), nhà cung cấp linh kiện cho Samsung.