Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 3317

Sử dụng công nghệ viễn thám tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn

Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT) đang triển khai xây dựng dự án “Giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám”. Việc sử dụng công nghệ viễn thám được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin chất thải rắn của Tổng cục Môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia nhận định, công nghệ viễn thám sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc. Bởi nó có tính đa thời gian, độ phủ rộng, độ phân giải không gian tốt. Với đặc thù của công nghệ viễn thám là có các dữ liệu lịch sử, do đó thông tin các bãi rác sẽ được cung cấp từ khi hình thành, quá trình hoạt động trong quá khứ cũng như hiện tại. 

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, ở Việt Nam hiện có 660 bãi chôn lấp tiếp nhận khoảng 20.200 tấn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên chỉ có 30% được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, có lớp che phủ hàng ngày trên rác thải.

Mặt khác, hầu hết các bãi chôn lấp không có máy đầm nén; hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác; hệ thống quan trắc môi trường; quá trình vận hành, quản lý còn kém, dẫn đến nhiều vấn đề rủi ro về môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt ở những vùng có mức phát sinh chất thải lớn và mật độ dân số cao.

tăng cường quản lý chất thải rắn

Công nghệ viễn thám còn cho phép theo dõi diễn biến, hiện trạng bãi rác chôn lấp sau khi đóng cửa, phục vụ công tác quản lý quá trình cải tạo, xử lý môi trường. (Ảnh: TTXVN)

Tình trạng vứt rác bừa bãi và bãi rác tự phát vẫn còn tiếp diễn nên việc quản lý số lượng và vị trí các bãi rác thải chưa được đầy đủ, chính xác. Tổng cục Môi trường tuy đã có cơ sở dữ liệu về các bãi rác thải nhưng chưa cập nhật thường xuyên và kịp thời nên hiện trạng của các bãi rác thải không tương thích với dữ liệu.

Do đó, việc xây dựng hệ thống thông tin thống nhất quản lý về chất thải rắn, bao gồm các thông tin về bãi rác, khu vực nhạy cảm với môi trường trên phạm vi toàn quốc là vô cùng cần thiết. 

Theo đó, dự án được xây dựng dựa trên công nghệ viễn thám, dữ liệu từ trạm thu ảnh viễn thám của Đài Viễn thám Trung ương có khả năng cung cấp dữ liệu lâu dài và liên tục nên công tác vận hành hệ thống và cập nhật thông tin có tính lâu dài. 

Dữ liệu ảnh viễn thám phủ trùm toàn quốc cho phép cung cấp rất nhiều thông tin giá trị phục vụ công tác quản lý chất thải như: vị trí bãi rác, bãi tập kết rác thải, biến động, trạng thái về diện tích của bãi rác, các bãi chôn lấp, các công trình trong bãi rác và lớp phủ các khu vực lân cận trong tầm ảnh hưởng môi trường của bãi rác.

Dữ liệu ảnh viễn thám cũng giúp các nhà khoa học, nhà quản lý có được thông tin về hiện trạng của các khu vực nhạy cảm với môi trường như: các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề.

Bên cạnh đó, dữ liệu ảnh viễn thám còn tăng cường khả năng giám sát việc thực hiện quy hoạch bãi rác, bãi chôn lấp chất thải rắn, cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn của quốc gia và địa phương.

Ngoài ra, công nghệ viễn thám còn cho phép theo dõi diễn biến, hiện trạng bãi rác chôn lấp, bãi thải, các nhà máy, khu vực khai thác khoáng sản sau khi đóng cửa phục vụ công tác quản lý quá trình cải tạo, xử lý môi trường.

Vì vậy, dự án hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí trong việc cập nhật thông tin dữ liệu, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng, góp phần cung cấp thông tin, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, quy hoạch bãi rác, khu xử lý, bãi chôn lấp rác.

Dự án được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở trung ương và địa phương cũng như cập nhật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin chất thải rắn của Tổng cục Môi trường. 

Để nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ viễn thám trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu tập trung vào nhóm giải pháp cung cấp cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thám; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng tự động hóa ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường. 

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng.

Hiện nay, do chưa có các giải pháp xử lý hiệu quả khác nên rác thải đô thị Việt Nam chủ yếu vẫn được chôn lấp. Các khu vực được sử dụng để chôn lấp ngày càng hẹp, lượng rác thải lại ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ngày càng chồng chất.

Bên cạnh đó, rác thải không được chôn lấp hoặc thu gom, xử lý đúng cách sẽ bị nước mưa cuốn trôi ra sông và từ sông ra biển. Vì vậy, không chỉ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, rác thải còn là nguồn quan trọng nhất gây ra ô nhiễm biển.

Các kết quả đánh giá của Liên hợp quốc cho thấy, rác thải là nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm biển nguy hại nhất hiện nay, đó là ô nhiễm rác thải nhựa, ảnh hưởng tới sức khỏe hệ sinh thái biển và sự phát triển bền vững của các quốc gia có biển.

Nguồn