Minh Anh ·
30 tuần trước
 7913

Sử dụng đất đá thải mỏ để ở Quảng Ninh dưới góc nhìn Kinh tế Môi trường

GS.TS Hoàng Xuân Cơ có một số ý kiến, quan điểm xoay quanh câu chuyện sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp ở Quảng Ninh.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) có một số ý kiến, quan điểm xoay quanh câu chuyện sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp ở Quảng Ninh.

Bối cảnh

Khai thác than được coi là hoạt động phát sinh nhiều chất thải, đặc biệt là đất đá thải và nước thải. Theo nhiều tài liệu khảo sát, để sản xuất 1 tấn than, cần bóc đi từ 8 - 10 m3 đất phủ, thải từ 1 - 3 m3 nước thải mỏ. Vì vậy, đến Quảng Ninh ta không ngạc nhiên thấy những núi đất đá thải cao bên cạnh những moong rất sâu và những kênh thải nước liên tục chảy.

Cùng với việc đào than, vận chuyển than, việc bóc lớp đất đá, chuyển chúng đến bãi thải đã là nguyên nhân phát sinh bụi lớn dẫn đến ô nhiễm bụi rất nặng trong thời kỳ dài (khi chưa có giải pháp giảm thiểu hiệu quả). Ngày nay, do áp dụng nhiều giải pháp khoa học, công nghệ, sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại nên mức phát sinh bụi đã giảm rất nhiều và chất lượng không khí (CLKK) cũng được cải thiện đáng kể.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ trả lời phỏng vấn của báo chí.

Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều tin bài liên quan đến các dự án sử dụng đất đá thải từ khai thác, chế biến than làm vật liệu san lấp nền ở nhiều nơi trong đó có cả vùng ven biển.

Trước đây, chúng tôi đã có bài viết ca ngợi những thay đổi to lớn của Quảng Ninh nhưng khi viết đến những dự án “lấn biển” thành công ở Hòn Gai, Cẩm Phả thì lại có cảm giác không tự tin vì không hiểu liệu có tác động gì từ các dự án này đến môi trường biển hay không. Đến nay, khi mà biết có sử dụng đất đá thải từ khai thác than để san nền thì chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về những tác động cả tốt và xấu của các dự án này.

Thực trạng

Khu du lịch và giải trí Tuần Châu là một trong những dự án lấn biển được triển khai sớm nhất (từ năm 1997) ở Quảng Ninh với quy mô ban đầu 300ha, nhưng sau nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch đã mở rộng lên tới khoảng 1.000ha.

Sau đó, hàng loạt dự án lấn biển diễn ra mạnh mẽ ở TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả đã tạo được diện tích lớn phục vụ quá trình phát triển. Đến Hòn Gai những năm đầu thế kỷ XXI, ta thấy có một số ngọn núi đá còn cách bờ khá xa nhưng bây giờ thì  nó đã rất gần và sẽ thành ngọn “núi Bài Thơ” mới của thành phố Hạ Long. Hay, các khu lấn biển của TP.Cẩm Phả đã thành khu đô thị kéo dài đến Cửa Ông với diện tích tăng lên rất nhiều từ lấn biển.

Nhiều khu đô thị sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san nền tại Quảng Ninh.

Vấn đề đặt ra là, vật liệu dùng để san nền, lấn biển được lấy từ nguồn nào. Bởi vì vật liệu san nền quy mô lớn phải được cấp phép. Đặc biệt, khi khai thác lượng đất lớn như lấn biển ở Quảng Ninh phải được xem xét cẩn thận về mặt pháp luật.

Theo chúng tôi tìm hiểu thì: Đất, đá làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi đáp ứng đủ quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật khoáng sản (theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BTNMT). Một số loại đất đá (đúng hơn là khoáng sản) có thể làm vật liệu san nền được quy định rất rõ trong Luật Đất đai năm 2010 nên khi cho phép sử dụng khai thác đất đá làm vật liệu san nền thì phải làm rõ chất lượng “khoáng sản” này có phù hợp với quy định pháp luật không.

Mặc dù không có tài liệu về chất lượng đất đá đã và đang được khai thác làm vật liệu san lấp ở Quảng Ninh nhưng chúng tôi hy vọng chúng đảm bảo các quy định pháp luật. Chắc chắn là việc khai thác đất đá thải mỏ từ khai thác, chế biến than cũng phải thực hiện đánh giá chất lượng theo quy định trong Luật Đất đai. Theo đó, phải chú ý đến khả năng đất đá thải này có chứa khoáng vật có giá trị kinh tế cao hay không.

Tôi còn nhớ năm 1965, học sinh của chúng tôi đã được tham gia xây một hồ lớn để chứa đất đá thải của quá trình khai thác cromit ở mỏ Cổ Định, Thanh Hóa vì trong chúng còn có trữ lượng đáng kể 02 nguyên tố đi kèm là niken và coban.

Nhiều cục than kip lê tại các khu vực san nền khu đô thị.

Một điểm khác phải làm rõ là các núi đất đá thải hiện thuộc quản lý của ai, của UBND tỉnh Quảng Ninh hay vẫn thuộc quản lý của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Nếu TKV đã bàn giao các núi thải này cho UBND tỉnh thì quyền cho phép khai thác sẽ thuộc UBND tỉnh, còn khi chưa bàn giao thì, theo chúng tôi hiểu, TKV có quyền định đoạt, thậm chí bán chất thải của mình. Nhưng dù ai ra quyết định thì vẫn phải khảo sát, đánh giá để chất lượng đất đá thải của khai thác, chế biến than để chứng minh chúng đáp ứng quy định pháp luật.

  Khả năng tác động

Bây giờ chúng ta giả thiết chất lượng khoáng sản/đất đá thải từ khai thác than đủ để làm vật liệu san lấp theo quy định pháp luật và đang được dùng để san lấp, kể cả lấn biển ở Quảng Ninh. Đối với rất nhiều dự án có san lấp lớn thì phải có đánh giá tác động môi trường nên các dự án ở Quảng Ninh cũng phải tiến hành lập ĐTM, trong đó có phần đánh giá tác động của giai đoạn xây dựng cơ sở ban đầu, xây dựng, san lấp, chuẩn bị mặt bằng. Theo nhiều chuyên gia, tất cả các dự án lấn biển cần phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, hoạt động lấn biển, đổ đất đá xuống biển sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng nước ven bờ, hệ sinh thái biển, dễ gây ra hiện tượng xói lở, bồi đắp xung quanh,…

Bãi tắm Cột 8 phường Hồng Hà bị người dân phản ánh về chất lượng do sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san nền.

Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập tới hai tác động liên quan tới vấn đề san lấp mặt bằng, lấn biển ở Quảng Ninh, đó là có thể coi dự án này là dạng Kinh tế tuần hoàn hay không và liệu sau khi san lấp như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng nước và sinh vật biển ven bời hay không.

Như chúng ta đều biết, khai thác, chế biến than trước đây có thể coi là kinh tế tuyến tính thuần, nghĩa là: Đi từ khai thác tài nguyên, chế biến thành sản phẩm (than) đem tiêu thụ tạo ra phúc lợi xã hội (có thể đo bằng GDP/RGDP được tạo ra). Tuy nhiên, hoạt động này thải nhiều loại chất thải như nước thải, khí thải (CH4 chẳng hạn), bụi và đất đá cùng chất thải rắn khác. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp bàn giao mặt bằng cùng các bãi thải cho địa phương thì có thể coi như hoàn thành công đoạn của hoạt động kinh tế tuyến tính trong khai thác, chế biến than.

Tuy nhiên, một hoạt động kinh tế khác đó là san lấp, chuẩn bị mặt bằng cho phát triển kinh tế cũng sẽ được coi là kinh tế tuyến tính khi đất đá lấy từ tự nhiên, được khai thác chuyên chở đến địa bàn san lấp, rồi xây dựng cơ sở sản xuất, khu dân cư trên đó nhằm tạo ra phúc lợi xã hội, tạo ra GDP/RGDP. Nếu vật liệu san lấp được lấy từ đất đá thải từ hoạt động kinh tế khai thác, chế biến than thì đây được coi là sử dụng chất thải, biến chúng làm đầu vào cho hoạt động kinh tế san lấp mặt bằng và như vậy được coi là có yếu tố kinh tế tuần hoàn trong đó.

Kinh tế tuần hoàn ở đây thể hiện mối quan hệ giữa 2 hoạt động kinh tế mà hoạt động này sử dụng chất thải của hoạt động kia làm đầu vào cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, hiệu quả của kinh tế tuần hoàn trong trường hợp này sẽ được nâng cao nếu như tích hợp được cả hai hoạt động này trong một số công đoạn. Chẳng hạn, đất đá thải từ khai thác, chế biến than có thể chở thẳng ra nơi chôn lấp, không qua lưu giữ ở các bãi thải như trước đây. Tất nhiên, việc tích hợp này không dễ nhưng nếu có cơ chế tốt thì vẫn thực hiện được.

Cát ở bãi tắm Phương Đông có màu đen khiến du khách bất an về chất lượng.

Việc sử dụng đất đá thải từ khai thác, chế biến than làm vật liệu san lấp mặt bằng dạng lấn biển cần chú ý thêm đến khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước và hệ sinh thái ven bờ. Đã có một số nghiên cứu chỉ ra nước thải mỏ khai thác than đến chất lượng nước và hệ sinh thái ven biển gần khu vực xả thải nên việc ngấm chất thải từ vật liệu san lấp sử dụng đất đá thải từ khai thác, chế biến than vẫn có thể xảy ra.

Theo quan sát của nhiều người, đã có dấu hiệu của việc tác động như đất đá thải mỏ được sử dụng để san lấp nền dự án ở một số địa phương như Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long và một số tuyến đường như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cao tốc Hạ Long - Móng Cái…Đây cũng là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.

Đôi điều suy nghĩ thay cho lời kết

Từ những gì phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng: Khi quyết định cho phép sử dụng đất đá thải từ hoạt động khai thác, chế biến than làm vật liệu san nền, lấn biển cần tổ chức khảo sát, nghiên cứu làm rõ hai vấn đề dưới đây.

1.Khảo sát chất lượng đất đá thải bỏ từ hoạt động khai thác, chế biến than để tận dụng các tài nguyên (nếu chúng tồn tại trong đó) và xem chúng có đủ tiêu chuẩn làm khoáng sản san nền như quy định trong Luật Đất đai không. Có trong tay kết quả nghiên cứu sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền yên tâm khi cấp phép khai thác loại tài nguyên này.

2.Khảo sát chất lượng nước và hệ sinh thái ven bờ gần các khu lấn biển để đánh giá khả năng tác động đến hai đối tượng này. Nếu phát hiện thấy có tác động tiêu cực thì phải có phương pháp giảm thiểu thích hợp để chất lượng nước, chất lượng hệ sinh thái ven bờ và xa hơn là chất lượng hải sản gần vùng lấn biển được duy trì và cải thiện.

Chúng tôi luôn hy vọng kết quả khảo sát sẽ chứng minh những tác động xấu không xảy ra.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!