Sử dụng vật liệu tái chế trong xây dựng không chỉ giúp bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất mà còn rất phù hợp với nhiều mô hình kiến trúc đô thị khác nhau. Theo thông tin từ Designs, ngoài chất thải xây dựng, các vật liệu khác không liên quan trực tiếp đến công trình, đồ nội thất hoặc các phế phẩm đô thị như lốp xe hoặc bao bì dùng một lần cũng đã được tái chế và tái sử dụng với kết quả rất hài lòng.
Theo một số số liệu thống kê được, mặc dù việc tái chế gây hao tốn năng lượng nhiều, song lại có được quy trình quản lý chất thải vô cùng hiệu quả. Cùng điểm qua một số cách thức có thể ứng dụng loại vật liệu này nha.
Những bức tường
Vật liệu tái chế có thể được sử dụng cho các bức tường. Thay thế cho các loại gạch thông thường, gạch được chế tạo từ cao su và nhựa tái chế có thể làm giảm chi phí đáng kể trong xây dựng, thậm chí còn có thể tiết kiệm thời gian thi công khi được thiết kế lắp ráp lồng vào nhau ngay từ đầu.
Trong thực tế, gạch từ vật liệu tái chế đã được sử dụng rất nhiều cho các công trình nhà ở xã hội hoặc nơi trú ẩn khẩn cấp dài hạn.
Gạch cao su
Sơn
Một ví dụ tuyệt vời về việc áp dụng vật liệu tái chế trong sản xuất sơn đó chính là sử dụng chất polystyrene mở rộng (tên gọi phổ biến khác là EPS hoặc xốp). EPS là chất liệu thường được sử dụng trong các tòa nhà với mục đích cách âm. EPS thải ra từ quá trình xây dựng có thể được sử dụng làm chất nền cho các loại sơn, đây là sáng kiến được phát triển bởi Công ty sơn Idea-Tec (Chile).
Cấu trúc phần cứng của công trình
Chúng ta hoàn toàn có thể tái chế chất thải C&D để tạo thành nguyên liệu thô cho các cấu trúc mới, chẳng hạn như bê tông.
Trong quá trình tái chế, vật liệu sẽ được xử lý bằng việc nghiền nát để các mảnh vỡ có thể được phân loại theo kích thước và sau đó được tái sử dụng. Các hạt bê tông tái chế có thể được sử dụng làm cốt liệu thô trong hỗn hợp mới hoặc làm các rọ đá.
Mái nhà
Những vấn đề chính rất được quan tâm khi xây dựng 1 mái nhà đó chính là khả năng cách nhiệt, sức kháng và độ bền. Có khá nhiều vật liệu tái chế hoàn toàn đáp ứng được những vấn đề này, có thể kể đến đó là lốp xe cũ hoặc gạch làm từ nhựa tái chế. Tấm chống thấm mái nhà làm từ lốp xe cao su đã được sử dụng khá nhiều và mang lại hiệu quả thực sự bất ngờ.
Gian hàng và cơ sở tạm thời
Vật liệu tái chế áp dụng rất phổ biến tại các gian hàng và cơ sở tạm thời. Với tính chất không cố định, các gian hàng và cơ sở tạm thời chính là nơi có thể thử nghiệm, nghiên cứu tính ứng dụng của vô số vật liệu tái chế.
Các tiện ích đường phố
Vật liệu tái chế được sử dụng cho các tiện ích đường phố có thể thu hút người dân vào việc phân loại chất thải và thúc đẩy sự tham gia của họ vào các dự án đô thị. Chẳng hạn, Zero Waste Lab (Hy Lạp) là một sáng kiến nghiên cứu cho phép mọi người biến rác thải nhựa thành đồ tiện ích đô thị thông qua kỹ thuật in 3D. Theo dự án, mọi người có thể tự do định hình thiết kế của họ và tạo ra các tùy chỉnh phù hợp nhất với nhu cầu.
Sân chơi
Vật liệu cao su hoặc có tính mềm rất lý tưởng cho các sân chơi và công viên. Do đó, đồ dùng được tái chế từ lốp xe và các vật liệu cao su khác có thể là một giải pháp tuyệt vời tại các khu vực này.
Ngoài việc được sử dụng để ốp lát, vật liệu tái chế và vật liệu nâng cấp còn có thể kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ em đối với các chức năng mới của vật liệu.
Ốp lát mặt đường
Thử nghiệm với bao bì tái chế, chai lọ và các sản phẩm khác làm từ nhựa đã chứng minh sự phù hợp của chúng đối với đường trải nhựa và đường dành cho xe đạp. Chúng ta phải sử dụng đến nhiệt độ cao để làm nóng chảy các vật liệu trong nhựa trải đường thông thường. Tuy nhiên khi sử dụng nhựa tái chế, nhiệt độ đun chảy lại thấp hơn dẫn đến tiêu thụ năng lượng ít hơn.