Song Vũ ·
1 năm trước
 4635

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước: Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Tham gia ý kiến về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Hiện nay, hồ sơ dự án Luật đang được tích cực chuẩn bị, tổng hợp các ý kiến đóng góp, chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến.

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Ảnh minh họa. (Nguồn:ITN)

Đi vào nội dung cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hưởng quản lý nhu cầu, kinh tế hoá, xã hội hóa, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch; huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, lọc nước biển, xử lý nước thải; xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.

Cụ thể, về công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, cần xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, ủng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước; giải pháp dài hạn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có nguy cơ cao về an ninh nguồn nước.

Đối với công tác bảo đảm chất lượng môi trường nước, đại biểu nêu rõ, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt, vào công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải; phục hồi các dòng sông, nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng; hoàn thành việc công bố, kiểm soát dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối và hạ lưu các hồ chứa; tăng cường lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, quan trắc, giám sát nước thải, đặc biệt đối với các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm; tăng cường tỷ lệ tái sử dụng nước thải sau xử lý.

Thêm vào đó, cần tập trung hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng chống lũ vào năm 2025, đặc biệt đối với đập, hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh; bảo đảm kinh phí bảo trì theo quy định. Đây nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện. Sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác. Xây dựng mới các hồ chứa nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mãn, lũ, ngập lụt, ủng để trữ nước, chuyển nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đầy mặn, cắt giảm lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Vấn đề quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái cần được chú trọng. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao; phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ. Tăng cường giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước. Theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được biên tập công phu và đã cập nhật, sửa đổi các vấn đề bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước, tuy nghiên cần rà soát, làm rõ một số khái niệm; rà soát nội dung, quy định về lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các hành vi bị cấm;  phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ,....

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, nhiều chuyên gia đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Luật Tài nguyên sửa đổi phải được cụ thể hóa đầy đủ nhất, sát thực nhất những quan điểm chỉ đạo của Đảng, kế thừa những vấn đề của Luật tài nguyên nước 2012 còn hiệu lực, ý nghĩa, không còn vướng mắc trong thực tiễn. Đặc biệt, dự thảo Luật cần tránh những chồng chéo khi Luật được ban hành.