Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3521

Tài chính khí hậu - Đòn bẩy ứng phó với biến đổi khí hậu

Tài chính khí hậu nhằm xây dựng khả năng phục hồi của các quần thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã gây ra những tác động tiêu cực đến một bộ phận dân số trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhằm xây dựng khả năng phục hồi của các quần thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và giúp thích ứng với BĐKH thì tài chính khí hậu giữ vai trò then chốt.

Vai trò then chốt của tài chính khí hậu

BĐKH toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nhân loại. BĐKH không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là mối đe dọa toàn diện, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đến tình hình cung cấp lương thực toàn cầu, vấn đề di dân và đe dọa nền hòa bình, an ninh thế giới. 

Ước tính hàng năm, tác động của BĐKH khiến nền kinh tế thế giới tổn thất từ 2% đến 6% GDP. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH. Nếu nhiệt độ tăng 2 độ C thì mực nước biển dâng 1m, có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23 % dân số (khoảng 21 triệu người) ở Việt Nam. 

Tại Hội nghị COP26 tháng 11/2021 ở Anh, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến, đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Các nước nghèo dù phát thải thấp nhưng lại phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng của BĐKH

Một trong những yếu tố quan trọng hiện nay là việc huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH, hay còn gọi là tài chính khí hậu. Tài chính khí hậu nhằm xây dựng khả năng phục hồi của các quần thể bị ảnh hưởng bởi BĐKH và giúp thích ứng với BĐKH. Tài chính cũng cần để hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để có được nguồn tài chính nhằm ứng phó với BĐKH, quá trình hoạch định chính sách tài chính quốc gia cần phải thích ứng với đặc điểm và yêu cầu của từng thời kỳ phát triển. 

Đòn bẩy ứng phó với biến đổi khí hậu

Có thể thấy, tài chính là vấn đề then chốt, cần thiết trong thực hiện mọi mục tiêu phát triển, trong đó bao gồm cả đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết về khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, vấn đề tài chính được quan tâm, tập trung đặc biệt nếu so với những sự kiện COP các năm trước. Bởi tài chính như nhiên liệu để chạy một cỗ máy, để cỗ máy vận hành theo ý muốn, theo kế hoạch thì phải làm thế nào cung cấp đủ nhiên liệu.

Tài chính khí hậu là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất tại COP 27 và cũng là lần đầu tiên trong chương trình nghị sự chính thức của COP có một đề mục riêng về vấn đề này. Tài chính khí hậu là kênh tài chính mà các nước phát triển sử dụng để đầu tư, tài trợ cho các dự án phát triển bền vững, hỗ trợ ứng phó, giảm thiểu tác động từ BĐKH tại các nước đang phát triển, mới nổi. Nguồn tài trợ này có thể được ủy thác qua các tổ chức phi chính phủ, chính phủ hoặc đầu tư tư nhân.

Các nước nghèo dù phát thải thấp nhưng lại phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng của BĐKH. Việc các nước giàu đầu tư vào hành động nhằm thích ứng với BĐKH ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn của toàn nhân loại.

Một loạt các cam kết hỗ trợ tài chính để giúp các nước đang phát triển ứng phó BĐKH đã được đưa ra tại Hội nghị COP27. Các nước phát triển có trách nhiệm nhiều hơn với các nguyên nhân của BĐKH. Nếu các nước đang phát triển tiếp tục đầu tư cho nỗ lực chống BĐKH trong dài hạn và ngắn hạn thì họ cần thấy nguồn tài trợ chảy từ các nước phát triển. Cần phải có nguồn lực, sự hỗ trợ, công nghệ, nâng cao năng lực. 

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với nước chủ nhà COP27 là thuyết phục các nước thu hẹp sẽ khác biệt, bất đồng về tài chính khí hậu và đạt được sự thống nhất về chuyện bồi thường giữa các nền công nghiệp hóa cho các nước đang phát triển - đang chịu hậu quả của tình trạng BĐKH.

Cần phải lưu ý rằng, không một quốc gia nào có thể một mình tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó là một nỗ lực hợp tác. Chúng ta phải làm việc đoàn kết với tất cả các quốc gia. Và điều đó có nghĩa là những nước giàu hơn phải hỗ trợ những nước có ít phương tiện hơn để thực hiện thay đổi

Các nước đang phát triển cần nguồn tài chính khí hậu không chỉ để đối phó với các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan, các nước này còn cần tiền để đầu tư vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Một trong các giải pháp được nhiều nước lựa chọn là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo. 

Các nước cũng cần tài chính để ứng phó tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm, cứu trợ, phục hồi các dịch vụ, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương chịu tác động từ BĐKH. Ước tính, tổng nhu cầu này của các nước phát triển sẽ đạt 1.300 tỷ USD vào năm 2025 và lên đến 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, dòng tài chính quốc tế hướng tới các nước đang phát triển đang thấp hơn nhu cầu ước tính từ 5 đến 10 lần.

Tài chính khí hậu là chìa khóa quan trọng, là đòn bẩy tích cực để thực hiện các cam kết khí hậu mà các nước đã đưa ra. Trong bối cảnh thế giới đang cần khẩn thiết hành động trước thời điểm không thể quay trở lại về khí hậu này, tài chính khí hậu lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bài toán tài chính khí hậu đối với Việt Nam

Ngoài nguồn lực từ bên ngoài lãnh thổ, Việt Nam cần huy động nguồn lực tài chính lớn từ xã hội cùng với sự phối hợp triển khai hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nước ta là một nước đang phát triển, nguồn ngân sách còn hạn hẹp, trình độ khoa học công nghệ còn tương đối thấp, do đó, việc huy động nguồn lực để ứng phó với BĐKH từ các kênh khác nhau là hết sức cần thiết. Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, thời gian tới Việt Nam cần xây dựng và triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, đánh thuế CO2: Đánh thuế sử dụng nguyên liệu sản sinh nhiều khí carbon và tạo ưu đãi trong đầu tư vào nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng kế hoạch đánh thuế CO2.

Thứ hai, loại bỏ năng lượng hóa thạch theo lộ trình nhất định.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo.

Thứ tư, xây dựng các chiến lược huy động nguồn lực tài chính trong khu vực tư nhân thông qua các dự án PPP. 

Các dự án ứng phó với BĐKH thường kéo dài và lợi nhuận thấp, vì thế, Chính phủ cần có cam kết về thể chế, đảm bảo lợi ích và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Đây là chía khóa để mở cửa cho nguồn tài chính dưới dạng PPP vào các dự án ứng phó với BĐKH. Trong bối cảnh đó, vai trò của hệ thống tài chính, ngân hàng cần được chú trọng như một đòn bẩy, xúc tác để phát triển các hành động, dự án vì khí hậu và giải quyết các thách thức về tính bền vững. 

Một giải pháp khác cho tài chính khí hậu cũng cần được cân nhắc, đó là xây dựng và triển khai khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp góp phần thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. 

Động lực thúc đẩy thị trường trái phiếu "xanh" phát triển nhanh xuất phát từ chính nhu cầu về nguồn vốn của các nhà phát hành và các cam kết của nhà đầu tư về tài trợ chống BĐKH, cũng như những lợi ích kép mà nó mang lại cho cả nhà đầu tư và nhà phát hành.

Trái phiếu "xanh" vừa đem đến nguồn tài chính cho các quốc gia triển khai các dự án năng lượng sạch, giảm tác động và thích nghi với BĐKH, vừa mang lại nguồn tín dụng chất lượng cao cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, công nghệ "sạch" cũng đang là một xu hướng được các nhà đầu tư lựa chọn trước những nguy cơ do BĐKH và các vấn đề môi trường gây ra.

Tài chính khí hậu là một khái niệm rộng. Nói một cách ngắn gọn thì tài chính khí hậu liên quan đến số tiền để chi cho toàn bộ các hoạt động sẽ góp phần làm chậm biến đổi khí hậu và giúp thế giới đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường