Giá cà phê trong nước và thế giới dần không còn “gần nhau”
Nước ta hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Do đó, diễn biến giá cà phê nhân xô nước ta và cà phê Robusta trên thế giới thường có mối quan hệ khăng khít.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
Theo MXV, trong 4 tháng đầu năm nay, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam và cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã thể hiện mối quan hệ mật thiết và cùng nhau thiết lập những mức đỉnh lịch sử quan trọng.
Giá cà phê Robusta chỉ trong vòng 4 tháng đã tăng gần 65%, vượt 4.500 USD/tấn, được xem là mức giá cao nhất trong lịch sử tính tới thời điểm đó. Giá cà phê tại thị trường nội địa cũng chinh phục 134.400 đồng vào 30/4, là mức cao nhất từng ghi nhận từ trước tới nay.
Tuy vậy, tính “đồng điệu” này đang dần mờ nhạt trong giai đoạn hiện tại. Được biết, 2 tháng trở lại đây, dù vẫn đi theo xu hướng chung của giá cà phê thế giới nhưng mức độ biến động giá cà phê Việt đã từng bước “lệch nhịp”.
Có thể thấy vào giữa tháng 7/2024, giá cà phê thế giới hình thành đà tăng và thiết lập lại mức đỉnh lịch sử mới tại 4.634 USD/tấn. Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô có khởi sắc nhưng không thể quay lại mức đỉnh trước đó, chỉ dừng tại 128.000 đồng/kg.
Gần đây nhất, do lo ngại sương giá xảy ra tại Brazil, giá thế giới đã tăng mạnh gần 7% chỉ trong hai phiên (ngày 6-7/8) nhưng giá cà phê tại nước ta chỉ nhích 2.000 đồng/kg, tương đương 1,5% và còn cách khá xa mức đỉnh lịch sử cũ, gần 13.000 đồng/kg.
Về hiện tượng chênh lệch giữa giá cà phê trong nước và giá thế giới, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV cho hay, nguyên nhân của sự lệch pha này chủ yếu xuất phát từ những biến động về nguồn cung. Trong nước, tồn kho cà phê đã cạn kiệt, các đơn hàng xuất khẩu mới không nhiều nên tác động lên giá thế giới chỉ ở mức độ nào đó. Thêm vào đó, yếu tố thời tiết tại Việt Nam - từng là tiêu điểm cà phê thế giới trong những tháng đầu năm, đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Tình trạng khô hạn được thay thế bằng những cơn mưa với lượng nước dồi dào, tạo điều kiện cho cây trồng phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê từ Brazil và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ hai và thứ ba thế giới đã bổ sung nguồn cung cho thị trường nên phần nào làm giảm bớt tính “độc quyền” từ vị thế số một thế giới của Việt Nam.