Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1625

Tại sao liên doanh Vibev giữa Vinamilk và Kido tan rã?

Theo Vinamilk chia sẻ, nguyên nhân giải thể là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và Kido.

Biểu đồ giá cổ phiếu VNM thời gian qua.

Do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh, Hội đồng quản trị Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) vừa thông qua việc giải thể Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido quyết định dừng và giải thể liên doanh trên. Hai bên sẽ cùng phối hợp để thực hiện các thủ tục giải thể theo luật định.

Lãnh đạo Kido cho biết quyết định này còn đến từ ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, thị trường trong nước có những biến động khó đoán và một số thay đổi trong định hướng của tập đoàn.

Được biết, Vibev là công ty liên doanh được thành lập tháng 3/2021, kế hoạch liên doanh được hai bên công ty trước đó nửa năm. Công ty ban đầu có vốn 400 tỷ đồng, trong đó VNM nắm giữ 51% cổ phần và sở hữu tỷ lệ còn lại là Kito.

Theo CEO Vinamilk, hợp tác này xuất phát từ nhu cầu của hai bên khi nhận thấy cơ hội lớn. Cả hai đều có năng lực về nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị, điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh nên sẽ đưa những mảng chung vào liên doanh để không bị xung đột lợi ích.

Theo Phó tổng giám đốc Kido - Mai Xuân Trầm, do người tiêu dùng trong nước đã ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên ngành giải khát không gas Việt Nam tăng trưởng ổn định. Vì vậy, trước đó liên doanh Vibev từng đặt mục tiêu dẫn đầu ngành với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm sau 5 năm vận hành. Tháng 11/2021, liên doanh này đã cho ra mắt 2 sản phẩm đầu tiên thuộc thương hiệu Oh Fresh: Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi.

Trước đó, vào tháng 6/2020, VNM thông báo đã ký biên bản thoả thuận ghi nhớ với Kido về việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát - kem (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa,...không bao gồm các loại nước có gas), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Bên cạnh đó, HĐQT VNM cũng thông qua việc chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 2/2022 với tỷ lệ 14%, 1 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng. Ngày 23/12 là ngày chốt danh sách và ngày thanh toán là ngày 28/2/2023.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết đã nâng giá mục tiêu (TP) cho VNM thêm 7% và duy trì khuyến nghị "khả quan". Bên cạnh đó, VCSC tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025 thêm 1% chủ yếu do nâng dự báo biên LN gộp của VNM thêm lần lượt 50/50/110 điểm cơ bản trong giai đoạn 2023/2024/2025 do giá sữa tiếp tục giảm gần đây. Điều này bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh giảm 3% tổng doanh số bán hàng dự báo giai đoạn 2023-2025 bởi những biến động kinh tế vĩ mô gần đây sẽ tác động nhiều hơn đến sức chi tiêu của người tiêu dùng phổ thông, vốn đã bị ảnh hưởng trong năm 2022. 

Về phía Kido, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại thời điểm 30/6/2022 (BCTC bán niên 2022 đã soát xét) là 1.781.310.407.212 đồng; chia cổ tức 50% bằng tiền mặt (5.000 đồng/cổ phiếu) là 1.286.120.050.000 đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại: 495.190.357.212 đồng.

Trong BCTC hợp nhất của Kido, tại thời điểm 30/9 giá trị còn lại của khoản đầu tư này là 160,3 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 49%). Như vậy, Vibev đã lỗ lũy kế khoảng gần 73 tỷ đồng sau gần 2 năm hoạt động so với số vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng.