Nam Cực hiện là một trong những nơi có nhiệt độ tăng nhanh nhất Trái Đất. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho biết, nếu giới hạn trên của mức nhiệt độ mục tiêu được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bị vượt quá, tảng băng ở Nam Cực tan chảy có thể khiến mực nước biển trên toàn cầu dâng trung bình 0,07 inch (0,18 cm)/năm vào năm 2060 và những năm tiếp theo.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, trên 190 quốc gia đã đồng ý giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực giới hạn ở mức tăng 1,5 độ C.
Việc nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C - một kịch bản phù hợp hơn với các chính sách hiện tại - sẽ đẩy mực nước biển trên toàn cầu lên mức “thảm họa” là 0,2 inch mỗi năm sau năm 2060.
Atiq Rahman, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao Bangladesh, cho biết các quốc gia nằm ở vùng trũng thấp như Bangladesh vốn đã phải hứng chịu nhiều cơn bão và lũ lụt, dễ bị tổn thương nhất do tác động của nhiệt độ và mực nước biển tăng cao.
Ông Atiq Rahman lưu ý, dần dần những khu vực nước lợ sẽ bị nhiễm mặn và năng suất nông nghiệp sẽ giảm đáng kể. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là tỉ lệ di dân sẽ cao hơn, khi nhiều người buộc phải di chuyển đến các khu vực đô thị vốn đang phải chật vật để thích ứng với dân số ngày càng tăng.
Một nghiên cứu do Hiệp hội Địa vật lý Mỹ công bố hồi tháng trước dự đoán rằng, mực nước biển dâng lên có thể kích hoạt làn sóng di cư trên khắp Bangladesh, ảnh hưởng đến trên 1,3 triệu người vào năm 2050.
Các nhà nghiên cứu đều đang nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề nhiệt độ toàn cầu tăng lên trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 tới tại Glasgow, Scotland thuộc Vương quốc Anh.