Hà Lan ·
3 năm trước
 2102

Tan nát rừng vì những dự án nghỉ dưỡng, sân golf

Thời gian qua đã có hàng trăm nghìn ha rừng tự nhiên phải “ngã” xuống nhường chỗ cho những dự án nghỉ dưỡng, sân golf… và hậu quả để lại là các hiện tượng thiên tai ngày càng nghiêm trọng.

Những năm qua, biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra thường xuyên, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các chuyên gia đang đặt vấn đề là có sự ảnh hưởng của việc diện tích rừng tự nhiên bị giảm.

Diện tích rừng tự nhiên bị giảm có nguyên nhân từ việc phát triển ồ ạt các dự án nghỉ dưỡng, sân golf,... khiến nhiều cánh rừng mất đi.

Cụ thể, Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị nam Đà Lạt) nằm ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, trụ sở tại TP.Đà Lạt).

Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Khu đô thị nam Đà Lạt vào ngày 30/12/2010. Dự án nằm trên địa bàn 4 xã của H.Đức Trọng (gồm Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan), có tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595 ha (trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050 ha), tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 - 2018. Dự án có 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người.

Hàng trăm nghìn ha rừng tự nhiên phải “ngã” xuống nhường chỗ cho những dự án nghỉ dưỡng, sân golf. 

Đến nay, sau 10 năm triển khai, dự án mới chỉ thực hiện được một số hạng mục: 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa. Trong khi các hạng mục chính lại chưa thực hiện, như khu dân cư trú đông, khu biệt thự mùa hè, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị trung tâm, khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, vườn hoa, khu cổng mặt trời...

Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, cho biết: “Tại dự án này của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã để rừng bị phá lên đến hơn 257 ha và trên 111 ha đất rừng bị lấn chiếm."

Năm 2017, Sở Tài chính có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỉ đồng, nhưng đến nay mới nộp 1,67 tỉ đồng.

Dự án đầu tư "Sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt" của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Hàn Việt đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 với diện tích 268 ha tại các tiểu khu 267C và 278A huyện Đức Trọng. Thế nhưng suốt 13 năm qua, ngoài việc khai thác gỗ dưới vỏ bọc tận thu, doanh nghiệp trên không triển khai bất kỳ hạng mục nào (theo Giấy chứng nhận đầu tư).

Chủ đầu tư cũng không có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng dẫn đến hậu quả hàng trăm cây thông có đường kính từ 20-50 cm bị lâm tặc cưa hạ, cả chục ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm… gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án.

Dự án khu biệt thự vườn The Panorama Villas do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thế Giới Xanh (Công ty Thế Giới Xanh, trụ sở ở TP.HCM) làm chủ đầu tư được tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4/2012. Thời hạn thuê đất 40 năm.

Dự án Haborizon có diện tích hơn 24,3 ha, với tổng mức đầu tư 120 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích gần 14 ha và giai đoạn 2 là hơn 10 ha.

Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa, qua rà soát, đối chiếu với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xác định trong tổng số 23,4 ha đất của dự án Haborizon có 16,97 ha thuộc diện tích đất quy hoạch phát triển rừng phòng hộ.

Cụ thể, diện tích giai đoạn 1 của dự án là gần 14 ha. Trong đó có 6,73 ha đất thuộc khoảnh 2, Tiểu khu 253 xã Phước Đồng. Diện tích còn lại (giai đoạn 2) là hơn 10,3 ha thì có 10,2 ha đất thuộc khoảnh 2, Tiểu khu 253 xã Phước Đồng.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, sau khi rà soát, đơn vị đã báo cáo tỉnh và đề nghị chủ dự án phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác đối với diện tích gần 17 ha nói trên. Mặc dù vậy, hiện Công ty Thế Giới Xanh chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với gần 17 ha như yêu cầu. Trong khi thực tế chủ đầu tư dự án Haborizon đã cho máy móc đào núi, phá đá tận thu khoáng sản ở dự án nhiều năm nay.

Dự án khu điều dưỡng, nghỉ và an dưỡng Hồng Đức của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Hồng Đức, thuộc Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được tỉnh Lâm Đồng cho chủ trương đầu tư vào năm 2006. Đến năm 2008, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời gian thực hiện 50 năm trên diện tích hơn 31 ha, bao gồm tổng cộng 108 công trình xây dựng có mái che.

Trong quá trình thi công lực lượng kiểm lâm phát hiện, chủ đầu tư đã tự ý phá rừng, tác động trên diện tích 4.237 m2 đất rừng; trong đó có 1.300 m2 đã được chuyển mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng, diện tích còn lại là đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Trạng thái rừng ở khu vực chủ yếu là rừng thông tự nhiên (tầng trên) và cây dẻ, tạp (tầng dưới). Chủ đầu tư đã chặt toàn bộ cây dẻ, cây tạp tầng dưới với khoảng 720 cây, đường kính 6 - 18 cm, chiều cao 5 - 12 m.

Loại bỏ 57 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng

Tại hội nghị tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2019 tổng diện tích rừng cả nước đạt 14,6 triệu ha, tăng 117.000 ha so với năm 2018, trong đó rừng tự nhiên tăng 36.000 ha.

Tây Nguyên vẫn được nhắc đến như một địa bàn “nóng” của nạn phá rừng. Đáng chú ý, năm 2019 có 33.200 ha rừng tự nhiên bị tàn phá tại 26 tỉnh, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Trong đó, mất rừng nhiều nhất xảy ra tại Đắk Lắk 11.400 ha, Đắk Nông 7.100 ha, Quảng Bình 3.300 ha... Tuy nhiên, các địa phương này lại không làm giải trình, làm rõ nguyên nhân khi trình các cấp công bố hiện trạng rừng.

Đối với việc kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, từ 1/1 đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã tiếp nhận, tham mưu rà soát, thẩm định 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 13.865 ha (gồm: 7.909 ha rừng tự nhiên, 5.956 ha rừng trồng).

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 30 dự án.

"Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã được các Bộ, ngành và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để phá rừng, đặc biệt đối với các dự án về thủy điện", Tổng cục Lâm nghiệp nêu.

Nguồn