Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3774

Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, quản lý thị trường chứng khoán minh bạch, bền vững

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường; phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022, đảm bảo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong phạm vi 4%. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, quản lý phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo hướng minh bạch, bền vững...

Ảnh minh hoạ.

Chủ động đề xuất điều chính chính sách tài khóa linh hoạt

Trong bối cảnh phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, ngành Tài chính đã và đang tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, chủ động đề xuất và triển khai kịp thời các giải pháp chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác phát huy hiệu quả vừa phòng chống dịch, vừa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các cân đối lớn về tài chính – ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất điều chỉnh chính sách tài khóa linh hoạt, thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu tiên dành các nguồn lực cần thiết để tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân và huy động thêm sự đóng góp thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ cho phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đưa kinh tế doanh nghiệp, đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt trong năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và không để lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ổn định kinh tế trong trung hạn và dài hạn.

Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính đã khẩn trương tổ chức thực hiện.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện các chính sách thu NSNN hỗ trợ phục hồi thúc đẩy nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, đã thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% song song với các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành cuối năm 2021vẫn còn hiệu lực thi hành trong năm 2022 như: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí và điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, tạo sức ép lớn đối với lạm phát trong nước, từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá, kịp thời trình Chính phủ báo cáo UBTVQH thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm tới mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; không chỉ có vậy, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng cũng được điều chỉnh giảm từ mức thuế suất 20% xuống 10%... cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác được ban hành như gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Giảm, giãn các loại thuế, phí 231 nghìn tỷ đồng

Mới đây, trả lời báo chí Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đến nay đạt kết quả tốt giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí cho các doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 là 231 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 7 ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: số tiền gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 46,2 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 6,3 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách đã ban hành và thực hiện từ năm 2021 nhưng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022).

Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH 347 nghìn tỷ đồng

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý chi ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính thực hiện theo phương châm tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả; tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH 347 nghìn tỷ đồng, trong đó 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi xuất 2% cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định đời sống xã hội của người dân.

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những chương trình, dự án không giải ngân được, bố trí cho chương trình dự án khác nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Đồng thời, tăng chi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; 6.600 tỷ đồng đầu tư cho các đường cao tốc...

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung nguồn kinh phí NSNN cho các Chương trình MTQG, các địa phương cũng chủ động bố trí kinh phí, lồng ghép chính sách, nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tất cả các chính sách ASXH trên địa bàn. Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư công được quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo động lực cho phát triển. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 28/6/2022 về việc phân bổ, cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm tập trung, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.

Những nỗ lực, khẩn trương của Bộ Tài chính trong triển khai các nhiệm vụ được giao cũng như chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã góp phần đưa các giải pháp chính sách tài khóa tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.

Tiếp tục đảm bảo tài chính – NSNN, thúc đẩy tăng trưởng

Có thể thấy, các chính sách được ngành Tài chính đề xuất, triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy tác dụng hết sức tích cực, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. 

Tuy nhiên, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Đà phục hồi kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt zero Covid của Trung Quốc, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, đẩy giá xăng dầu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao… 

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ những biến động bên ngoài, cùng với đó là áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực còn khó khăn. 

Do đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ với báo chí mới đây về định hướng nhiệm vụ đảm bảo thực hiện các mục tiêu tài chính – NSNN trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Toàn ngành Tài chính quyết tâm bám sát thực tế KTXH, luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Bộ Tài chính sẽ tập trung chủ động theo dõi sát tình hình trong nước và thế giới, đặc biệt là diễn biến giá cả, lạm phát, để tham mưu kịp thời cho Chính phủ ứng phó linh hoạt với các biến động vĩ mô cũng như các biến động trong lĩnh vực tài chính-NSNN nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, quản lý tốt các khoản thu, đặc biệt là thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chống chuyển giá, trốn thuế thu từ bất động sản; đẩy mạnh áp dụng và phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử để quản lý tốt nguồn thu ngân sách cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới đây. 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả 

Song song với đó là tiếp tục thực hiện chính sách chi tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, hạn chế chi chuyển nguồn; chủ động rà soát, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên; rà soát, cân đối nguồn lực cho chính sách ASXH, hỗ trợ người dân ổn định sau đại dịch COVDI-19; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, toàn ngành cũng sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: Chủ động cân đối và kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN. Quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường; phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022, đảm bảo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong phạm vi 4%. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, quản lý phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo hướng minh bạch, bền vững... Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn… góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

“Trong những tháng cuối năm 2022, toàn ngành Tài chính sẽ nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 ở mức cao nhất, tạo tiền đề thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế”, người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ./.