Kiên quyết xử lý vi phạm môi trường
UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kết luận Hội nghị UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 7/2021. Trong đó nêu rõ, kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh đảm bảo an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 trong “trạng thái bình thường mới”. Do vậy, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế Ninh Bình tiếp tục phát triển khá, GRDP tăng 7,18%; công nghiệp duy trì được sản xuất và đạt mức tăng trưởng khá trong điều kiện dịch bệnh. Nông nghiệp được mùa, phong trào xây dựng nông thôn mới được quan tâm; dịch vụ phục hồi và có bước phát triển. Văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo, nhất là trong dịp diễn ra bầu cử.
UBND tỉnh Ninh Bình giao nhiệm vụ cho ngành TN&MT tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. (Ảnh: Báo TN&MT)
UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung giải quyết các công việc tồn đọng, vướng mắc kéo dài. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đạt kết quả tích cực, đặc biệt là đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc phía Đông qua tỉnh Ninh Bình, đảm bảo mặt bằng thi công theo tiến độ.
Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đất đai, hành lang an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường còn xảy ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp…
Dự báo 6 tháng cuối năm 2021 dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa, nhất là sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, nhu cầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
UBND tỉnh Ninh Bình giao nhiệm vụ cho ngành TN&MT phải hoàn thành xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đảm bảo phù họp với quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực, sát thực tế, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2021. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu ngành TN&MT, tiếp tục kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp vi phạm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp.
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong quy định
Theo báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (Nghị định 155) ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn một số khó khăn, vướng mắc.
Từ thực tế địa phương cho thấy, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thực hiện đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Phòng TN&MT, UBND cấp huyện hoặc Sở TN&MT. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ TN&MT quy định, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản chỉ có Sở TN&MT, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (trường hợp được ủy quyền) có thẩm quyền xác nhận, Phòng TN&MT cấp huyện không có thẩm quyền xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
Hay tại Điểm c Khoản 3 Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp giám sát môi trường và trường hợp quy định tại các điểm a, c và e khoản này”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều này không có điểm e và quy định loại trừ tại các điểm a, c như vậy tự loại trừ điểm c tại quy định này. Nghị định quy định như vậy gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn.
Nghị định 155 không quy định đình chỉ cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc đối tượng cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chưa quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; không quy định xử phạt đối với hành vi xả bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép đối với các bến, cảng,… vì các đơn vị chỉ hoạt động, kinh doanh bốc xếp hàng hóa, không thực hiện sản xuất nên không có lưu lượng khí thải dẫn đến không có căn cứ xử phạt.
Nghị định 155 cũng chưa quy định khung tiền phạt đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại; đối tượng xử phạt là chi nhánh, là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công,… Không quy định hành vi xử phạt về chuyển giao, cho, bán, chôn, lấp, đổ, thải các loại chất rắn thông thường đặc thù (như chất thải rắn thông thường phát sinh từ cơ sở y tế, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng,…); chưa quy định cụ thể về biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không chấp hành quyết định áp dụng hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động…
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định hình thức phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường là chưa phù hợp. Bởi thực tế có nhiều cơ sở chăn nuôi gần khu dân cư, trong quá trình hoạt động làm sinh mùi gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân khu vực xung quanh.
Mặt khác, hiện nay, công tác xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã còn gặp khó khăn, do thiếu cán bộ chuyên trách về môi trường.
Từ những bất cập tại các quy định trên, để việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bảo đảm thống nhất, hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập của Nghị định 155/2016/NĐ-CP trong quá trình xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.