Quỳnh Trần ·
2 năm trước
 2355

Tặng gạo và nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển huyện Trần Đề đã được tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà.

Ngày 24/8, Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng và lãnh đạo Đồn Biên phòng Trung Bình đã tổ chức tặng quà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển huyện Trần Đề.

tặng gạo cho người lao động khó khăn

Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Chính ủy BĐBP Sóc Trăng tặng quà cho người nghèo. Ảnh: TTXVN phát

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống người dân, thời gian qua, Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã vận động nhà hảo tâm được 200 phần quà, mỗi phần trị giá 350.000 đồng (gồm 20 kg gạo và nhu yếu phẩm) để trao tặng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn xã Trung Bình, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng, Đồn Biên phòng Trung Bình, chính quyền địa phương đã trực tiếp đến từng nhà để trao các phần quà, đồng thời thăm hỏi, động viên người dân khắc phục khó khăn, nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Đại tá Nguyễn Trìu Mến, đây là một trong số những hoạt động của Bộ đội Biên phòng tỉnh nhằm hưởng ứng đợt phát động thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động. Hoạt động này nhằm góp phần tạo thêm nguồn lực, chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho nhân dân khu vực biên giới biển để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ngày 24/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ký Quyết định số 2889/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo quyết định trên, UBND tỉnh Đồng Nai phân bổ 1.600 tấn gạo do Tổng cục dự trữ Nhà nước xuất cấp cho tỉnh từ nguồn dự trữ quốc gia cho các huyện, thành phố để hỗ trợ người dân. UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND các huyện, thành phố được phân bổ gạo bố trí địa điểm tiếp nhận tại khu vực Trung tâm hành chính của UBND các huyện, thành phố; mỗi đơn vị giao tại 1 điểm, có kho bãi tránh mưa nắng và nhân lực để nhận, phân phối gạo về các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị lực lượng và vật dụng để chia gạo theo số lượng 7,5 kg/người.

UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát đối tượng thiếu đói do dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định và thủ tục hỗ trợ khi cấp phát; các địa phương rút ngắn thời gian ở các bước thực hiện thủ tục hỗ trợ. Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ khẩn trương tiếp nhận, phân bổ gạo kịp thời đến đúng đối tượng được hỗ trợ trong thời gian 3 ngày, kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, tính từ ngày nhận được gạo hỗ trợ.

Đối với trường hợp không phát hết số gạo được cấp hoặc sau khi cấp phát vẫn còn khó khăn, UBND các huyện, thành phố sớm báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để kịp thời điều tiết cho các đơn vị hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung. Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố chịu trách nhiệm về công tác giao nhận, cấp phát gạo cứu trợ được phân bổ trên địa bàn.
         
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất việc hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch  COVID-19. UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ do dịch bệnh kéo dài, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-CP gần 2 tháng, rất nhiều công nhân và người lao động phải nghỉ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân. Qua rà soát, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương khoảng 3,1 ngàn tấn gạo để hỗ trợ cho 208.567 người dân (15 kg/người).

Nhằm hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, trong 25 ngày liên tục (từ 22/8 - 15/9), mỗi ngày tỉnh Lâm Đồng sẽ chuyển 200 tấn rau củ xuống thành phố này. Đây là các loại nông sản đặc trưng của tỉnh, bảo quản được lâu, chất lượng tốt như bắp cải, cải thảo, đậu leo, cà rốt, khoai tây, cà chua, dưa leo…

Để đảm bảo nguồn cung ứng nông sản, tỉnh Lâm Đồng giao các địa phương gồm thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, chịu trách nhiệm thu hoạch, gom khối lượng nông sản từ 25 - 50 tấn/ngày. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch về diện tích, sản lượng nông sản, vận chuyển giao tận nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Kinh phí thực hiện của chương trình dự kiến khoảng 30 tỷ đồng. Nguồn chi phí được trích từ ngân sách của tỉnh và địa phương, ủng hộ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn.

Nhằm tạo sự đồng bộ cho lượng nông sản hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đang triển khai việc in ấn, cấp phát 32.000 nhãn dán trên các thùng giấy chứa nông sản hỗ trợ, 250 băng rôn với nội dung rau quả Lâm Đồng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 gắn trên các xe vận tải chuyên chở nông sản tham gia vận chuyển hàng hóa hỗ trợ...

Nguồn