Trong bối cảnh có nhiều tin đồn tiêu cực liên quan tới Ngân hàng Sài Gòn (SCB), từ cuối tuần trước, nhiều khách hàng đã xếp hàng để chờ giao dịch do lo ngại các khoản tiền gửi mất an toàn.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần phát đi thông điệp nhà nước đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, ngày 12/10, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết: Tình hình tại SCB đã dần ổn định, hiện lượng khách hàng tới rút tiền đã giảm đáng kể, thay vào đó, với các chương trình ưu đãi lãi suất, SCB đã ghi nhận lượng khách hàng tới gửi tiền tăng cao.
Sau khi tăng mạnh lãi suất, SCB huy động gần 6.000 tỷ đồng tiền gửi trong một ngày. (Ảnh minh họa: Nguồn internet)
Để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm, trong ngày 12/10, SCB tung ra ưu đãi tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy bằng tiền đồng theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng - 11 tháng.
Trước đó không lâu, SCB điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi vào ngày 5/10 thì ngay sau đó đến ngày 8/10, SCB tiếp tục thông báo nâng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 0,7%, từ mức 7,55%/năm lên 8,25%/năm.
Đáng chú ý, đối với tiết kiệm online, SCB cũng nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8-7,95%/năm, 9 tháng lên 8,01-8,25%, 12 tháng lên 8,2-8,55%. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Bên cạnh đó, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Ngoài ra, SCB cho biết các ưu đãi lãi suất này có giá trị từ ngày nắm giữ đến hết 31/12 và áp dụng một lần cho mỗi khách hàng trên một tài khoản tiền gửi mở tại ngân hàng.
Tuy nhiên, ưu đãi lãi suất sẽ mất đi nếu khách tất toán trước hạn tiền gửi. Với các trường hợp gửi tiền theo hình thức lĩnh lãi trước, lĩnh lãi định kỳ, khi rút vốn trước hạn, khách hàng sẽ phải hoàn trả phần ưu đãi đã nhận của các kỳ trước đó (nếu có).
Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu tài khoản tiền gửi đã áp dụng ưu đãi lãi suất, người nhận sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi này theo quy định.
SCB vốn được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB), có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường. |