Muji là một trong những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thế giới, nhưng lại mới mở tại Việt nam khoảng 3 năm trở lại đây. Chuỗi bán lẻ này đang tích cực thu mua và bán lẻ 2 nhóm mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là các mặt hàng may mặc, đồ gia dụng và thực phẩm.
"Tôi rất thích các sản phẩm này của Việt Nam, chúng có chất lượng rất tốt và tôi thường xuyên mua", bà Aki Moto, người tiêu dùng, chia sẻ.
Để vào được chuỗi siêu thị này, hàng Việt phải vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe từ nguyên vật liệu tới quy trình sản xuất. Đặc biệt hơn, đáp ứng tiêu chuẩn vào được chuỗi 4 cửa hàng tại Việt Nam cũng có nghĩa đã có tấm hộ chiếu vào khoảng 1.000 cửa hàng của Muji trên toàn cầu.
"Sẽ có những sản phẩm là đặc sản của Việt Nam được bán ở các cửa hàng Muji toàn cầu bởi vì hầu hết những sản phẩm này đều đạt được những tiêu chuẩn xuất khẩu ở những thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ", ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng Giám đốc Muji Việt Nam, cho biết.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp này cho biết đã có kế hoạch tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm đồ gia dụng có chất liệu gốm sứ hay gỗ từ Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt định hình tên tuổi, thương hiệu trong các chuỗi bán lẻ nước ngoài và sự góp mặt trong các hệ thống bán lẻ trên thế giới.
Còn chuỗi siêu thị Kohnan Nhật Bản đang có 11 cửa hàng tại Việt Nam, trong đó chú trọng nhập nhóm hàng đồ thủ công mỹ nghệ, gốm sứ và các sản phẩm của Việt Nam. Đây cũng là các sản phẩm nằm trong kế hoạch tham gia vào các thị trường khác trong ASEAN của chuỗi siêu thị này.
"Chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn, hiệp hội, nhà bán lẻ và nhà cung cấp đồ gia dụng Nhật Bản đến Việt Nam vào tháng 4 năm nay và nghiên cứu lĩnh vực sản xuất và thị trường Việt Nam. Mùa thu năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm Made in Vietnam tại Nhật Bản", bà Asano Megum, Tổng Quản lý cấp cao kho vận và hàng hóa, chuỗi siêu thị Kohnan Việt Nam, cho hay.
Mới đây, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation cũng đã công bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỷ USD vào Việt Nam với hàng chục ngàn sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có mặt trên các kệ hàng.
Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà bán lẻ ngoại còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại các thị trường nước ngoài. Đó cũng là một trong những xu hướng xuất khẩu hàng nhiều doanh nghiệp hướng tới.