Minh Phương ·
2 năm trước
 3028

Tăng trưởng xanh: Cần chính sách hấp dẫn để thu hút tài chính tư nhân

Việt Nam đã hình thành hệ thống luật pháp, chính sách thúc đẩy DN tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chừng đó là chưa đủ, điều quan trọng là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho DN.

Theo báo cáo tại Hội thảo về Đóng góp thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh (GGS) và Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp tổ chức, ước tính, biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm thiệt hại khoảng 1.600 tỉ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỉ USD vào năm 2030.

Để giảm thiệt hại và đối phó có hiệu quả với những thách thức về biến đổi khí hậu, thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở mức thấp hơn 2 độ C và cố gắng hơn để hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, đến tháng 2/2021 đã có 124 quốc gia công bố mục tiêu trung hòa carbon hoặc phát thải Cân bằng (Net Zero).

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo giảm phát thải khí nhà kính

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo giảm phát thải khí nhà kính.

Tính đến tháng 6/2021, đã có 3067 doanh nghiệp, 733 thành phố, 173 quỹ đầu tư, 31 khu vực, 624 trường đại học, 37 viện y tế cam kết Net Zero. Bên cạnh đó, 124 quốc gia đã công bố mục tiêu trung hòa carbon hoặc phát thải cân bằng.

Theo PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (IMHEN), những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến Việt Nam là không thể phủ nhận. Đại dịch Covid-19 bùng phát làm thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách thức phát triển trong tương lai, hướng tới nâng cao năng lực chống chịu của các quốc gia với những cú sốc bên ngoài. Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19 theo hướng xanh (phục hồi xanh) trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều Chính phủ cam kết triển khai các gói hỗ trợ thúc đẩy phục hồi xanh, trong đó Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết dành khoảng 267 tỉ USD cho các dự án đầu tư thân thiện với khí hậu trong thập kỷ tới.

“Trong những năm qua, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đã liên tục được xây dựng, cập nhật và công bố nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi trong quá khứ và những dự tính biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam. Kịch bản năm 2016 đã chỉ ra rằng nhiệt độ, lượng mưa, bão mạnh đến rất mạnh đều có xu thế gia tăng. Nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TP.HCM và 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao. Điều này vẫn tiếp tục được khẳng định trong kịch bản năm 2020”, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương chia sẻ.

Theo PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Việt Nam cần thay đổi con đường phát triển để xóa đói giảm nghèo, xây dựng quốc gia hưng thịnh mà không gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi mô hình phát triển mà thỏa thuận Paris khẩn thiết kêu gọi sẽ chỉ được đông đảo công chúng ủng hộ khi nó liên quan chặt chẽ với việc giảm sự bất bình đẳng kinh tế-xã hội đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Việt Nam, thông qua bản cập nhật đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) cũng như Dự thảo Chiến lược Tăng trưởng Xanh cần thể hiện những cam kết và hành động vì khí hậu tham vọng hơn và cần được thực hiện ngay nhằm đảo bảo phát triển công bằng xã hội.

Tăng trưởng xanh cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam có thể lồng ghép các mục tiêu dài hạn để đạt được phát thải cân bằng vào Chiến lược tăng trưởng xanh với những giải pháp cụ thể đến từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân

TS Ben Rawson, Giám đốc Chương trình Bảo tồn và Phát triển WWF tại Việt Nam khẳng định, VCCA và IMHEN hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc kịp thời ban hành Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. VCCA mong muốn được chia sẻ các khuyến nghị chính sách nhằm ủng hộ Chính phủ trong việc đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn, định hướng phát triển kinh tế carbon thấp, ưu tiên các mục tiêu phát triển giải quyết các vấn đề khủng hoảng khí hậu và thu hút đầu tư xanh.

Sẵn sàng hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu và đánh giá về xây dựng và thực hiện lộ trình, kịch bản tăng trưởng xanh và carbon trung tính, Net Zero, cung cấp dữ liệu tham khảo cho các nhà ra quyết định và hoạch định chính sách.

“Chính phủ Việt Nam cần có ý chí chính trị mạnh mẽ và tham vọng đủ lớn để đặt ra tầm nhìn cụ thể cho mục tiêu carbon trung tính cho Việt Nam, bắt kịp với xu thế của thế giới. Tầm nhìn này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng lộ trình, kịch bản và giải pháp để đạt được mục tiêu lớn hơn về Net Zero. WWF cùng với VCCA mong muốn được đóng góp vào tiến trình xây dựng và thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh, đóng góp do Quốc gia tự Quyết định để cùng với Chính phủ đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính hướng đến carbon trung tính và Net Zero”,TS Ben Rawson chia sẻ.

Chính sách hấp dẫn cho doanh nghiệp tư nhân

Trong bối cảnh nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách, đầu tư tư nhân đang dần thể hiện vai trò quan trọng. Theo TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tổng vốn đầu tư tư nhân, bao gồm các nguồn từ dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình tham gia thực hiện Chiến lược đến năm 2020 đạt gần 2,5 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và một phần hiệu quả năng lượng.

Mặc dù vậy, khó khăn hiện nay của hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là khó tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại cho các dự án đổi mới, thay thế công nghệ và thiết bị có hiệu năng sử dụng năng lượng cao; cơ chế chính sách hỗ trợ giá điện tái tạo chưa có định hướng cụ thể dẫn dắt, chính sách chưa nhất quán và thiếu đồng bộ nên nên các chủ đầu tư thường rơi vào thế bị động; thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ và phù hợp cho phát triển năng lượng tái tạo trong khi năng lực quản lý và hỗ trợ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương còn yếu kém….

Theo TS Nguyễn Thanh Nhơn, Giám đốc chiến lược của Shire Oak International, hiện nay, nếu so sánh về giá, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo và truyền thống tại Việt Nam không chênh lệch quá nhiều. Để tạo động lực cho doanh nghiệp, hành lang pháp lý hướng đến Net Zero cần có chính sách để phát huy chuỗi giá trị của năng lượng tái tạo, cụ thể công nhận các giá trị giảm phát thải để tham gia thị trường carbon, ưu đãi trong xuất khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất, ưu đãi thuế, đưa công nghệ carbon thấp chất lượng cao vào thị trường Việt Nam… Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh cần có các giải pháp rất cụ thể, hướng tới lợi ích của doanh nghiệp và các nhà sản xuất để tạo động lực phát triển trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, chủ trương và hành lang pháp lý vĩ mô khá đầy đủ, nhưng khi triển khai xuống địa phương thì doanh nghiệp đều khó tiếp cận.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới đây, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh 2030. Nội dung Dự thảo hướng tới nền kinh tế trung tính carbon (carbon neutral) trong dài hạn là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh mới phục hồi xanh hậu Covid-19. Các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs) và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.

 

Nguồn