Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 4077

Tảo biển - Nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa

Hàng năm, con người sản xuất ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, các chuyên gia dự đoán vào năm 2050 “đại dương sẽ chứa nhiều nhựa còn hơn cá“. Đứng trước tình trạng này, nhiều nhà khoa học đã phát minh ra các loại đồ vật tái chế được làm từ tảo biển (rong biển) - một nguồn nguyên liệu dồi dào và dễ nuôi trong tự nhiên.

Túi nhựa có thể...ăn được?

Túi nhựa từ tảo biển có thể phân hủy sinh học, thậm chí có thể ăn được do Notpla, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London tạo ra. Tảo biển sau khi được lấy từ miền bắc nước Pháp sẽ được sấy khô và nghiền thành bột, trải qua quá trình xử lý để biến thành chất sệt và dính. Chất sệt này khi khô lại sẽ trở thành vật liệu giống như nhựa và có thể phân hủy sinh học trong 4-6 tuần.

nhựa làm từ rong biển

Nhựa làm từ tảo biển của Notpla. (Ảnh: Claire Price/Business Insider Today)

Rodrigo Garcia, nhà đồng sáng lập Notpla cho biết, chế tạo túi từ tảo biển thân thiện với hệ sinh thái hơn so với tinh bột vì tảo biển không cần đất và nhiều thời gian để phát triển, có loại có thể mọc dài tới 1m mỗi ngày mà chỉ cần bón phân hoặc tưới nước. Đây chính là nguyên liệu mà Notpla sẽ dùng trong một thời gian dài.

Notpla coi sử dụng nhựa là một loại nghiện cần thay đổi. Hãng này đang nghiên cứu các loại bao bì mới cho thức ăn, nước uống, quần áo và những vật dụng khác. "Chúng tôi làm điều này vì muốn góp phần giải quyết khủng hoảng đồ nhựa. Đó là động lực của chúng tôi", Pierre Paslier, nhà đồng sáng lập Notpla chia sẻ.

túi nhựa

Túi nhựa có thể phân hủy sinh học của Notpla. (Ảnh: Notpla)

Một công ty khác tại Indonesia là Evoware cũng tạo ra một loại bao bì ăn được và phân huỷ sinh học 100% từ tảo biển và hoà tan được trong nước ấm. Các loại bao bì ăn được gần như không mùi, không vị, không chất bảo quản, hoà tan được trong nước ấm và chứa các dưỡng chất như xơ, vitamin và khoáng chất. Eroeware 100% phân huỷ sinh học, hoạt động như phân bón tự nhiên cho cây trồng. Cũng như thực phẩm, bao bì có hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày sản xuất. Loại nhựa này hoàn toàn có thể in lên thậm chí ép nhiệt.

nhựa làm từ rong biển

Bao bì ăn được và phân huỷ sinh học từ tảo biển. (Ảnh: Evoware)

Evoware có hai loại bao bì cơ bản, một loại có khả năng phân huỷ sinh học dùng để gói xà phòng và các sản phẩm không tiêu thụ được, được thiết kế để sử dụng với các sản phẩm không phải thực phẩm. Không giống như nhựa, nó sẽ phân hủy sau khi sử dụng mà không gây hậu quả nào cho môi trường.

Loại thứ hai có thể ăn được dùng để bọc thực phẩm, gói hương liệu hoặc dùng làm túi trà, khi hòa tan trong nước ấm hay không thì nó vẫn có thể ăn được. Vì thế nếu Burger King bọc những chiếc bánh của họ trong túi đựng làm từ tảo biển, bạn có thể lấy ra rồi ăn hoặc chỉ đơn giản là cắn thẳng qua, ăn luôn cả túi. Hay bạn sẽ không phải bóc những gói gia vị mì tôm ăn liền nữa, dội nước xôi vào rồi chúng sẽ tự tan ra. Những ai hay ăn mì tôm hẳn sẽ rất thích điều này.

burger king

Bọc bánh Burger King trong túi làm từ tảo biển. (Ảnh: Evoware)

Evoware cho biết, “Bao bì tảo biển có thể dùng để đóng các gói thực phẩm nhỏ như mì ăn liền, ngũ cốc, cà phê hoà tan, gói gia vị, bao gạo, bọc burger,v.v… Chúng giúp bạn bảo quản thức ăn tươi ngon thuận tiện hơn và cũng là cách bảo vệ Trái Đất khỏi ô nhiễm nhựa. Các sản phẩm không phải đồ ăn như tăm xỉa, xà phòng, băng vệ sinh cũng có thể được đóng gói bằng nhựa rong biển.”  

bao bì làm từ tảo biển

Bao bì tảo biển có thể dùng để đóng các gói thực phẩm nhỏ. (Ảnh: Evoware)

Chai nước có thể ăn được sau khi uống xong

Ari Jonsson, một nhà thiết kế, sinh viên của Học viện Nghệ thuật Iceland đã chế tạo ra những chai nước làm từ tảo biển sau khi nảy sinh ý tưởng thay thế những chai nước được làm từ nhựa, chỉ dùng 1 lần rồi bỏ đi. Tuy nhiên, để giữ được hình dạng, chai nước này cần phải chứa nhiều chất lỏng, vì khi không còn nước nó sẽ bắt đầu tự phân hủy. Bên cạnh đó, chai nước làm từ tảo biển này rất dễ bị rách, thủng nên cần phải tìm ra các giải pháp tiếp theo để cải tiến sản phẩm.

Được biết, nguyên liệu chính của chai nước làm từ tảo biển này là agar, một hợp chất làm từ tảo thường được dùng làm chất kết đông như thạch, bởi ưu điểm của nó là không chỉ đông đặc ở nhiệt độ dưới 40 độ C mà còn không bị vi sinh vật phân hủy làm biến tính. Đầu tiên, bột agar được trộn cùng với nước, khi hỗn hợp đạt được độ kết dính giống như thạch thì tăng thêm nhiệt độ trước khi đổ chúng vào khuôn lạnh.

chai nước làm từ tảo biển

Chai nước làm từ tảo biển.

Khuôn có hình chai nước được đặt trong thùng đá. Sau khi chai nước đã hình thành để chúng ở trong môi trường đá lạnh rồi mới đem ra sử dụng. Chai nước này sẽ giữ nguyên hình dạng của nó cho đến khi lượng nước trong chai cạn dần và quá trình tự phân hủy của nó bắt đầu. Nước đóng trong chai hoàn toàn uống được tuy nó có vị hơi mặn do hấp thụ một lượng muối nhỏ từ thạch (chất agar) trong thời gian “sản xuất” chai.

“100% nguyên liệu của nó có nguồn gốc từ thiên nhiên nên bạn có thể ăn nó. Hương vị của nó rất khác, tuy nhiên nếu bạn bảo quản tốt trong khi vận chuyển, nó có thể là một loại thực phẩm rất tốt”, Jonnson chia sẻ.

Sản xuất giày dép và quần áo từ tảo biển và nhựa tái chế

Ý tưởng này được phát triển sau 6 năm nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu của Quỹ Renovare hợp tác với công ty Plastic Oceans tại Mexico - Quốc gia đang phải vướng phải vấn đề tảo xâm nhập các bãi biển Caribe do nhiệt độ nước biển tăng vì hậu quả nóng lên toàn cầu và ô nhiễm đại dương.

giày làm từ tảo biển

Giày làm từ tảo biển.

Loại giày dép và quần áo dựa trên loại tảo biển sargasso và chai nhựa. Tảo biển sargasso sẽ được mài nhỏ sao cho nó có thể bám vào sợi vải để tạo ra đế giày. Ngoài ra, vì loài thực vật biển này bị nhiễm kim loại nặng, Quỹ Renovare cần hợp tác với các nhà khoa học và nhà sinh học để đối phó với trở ngại này.

Mỗi cặp đế giày chứa 100 gram sargassa. Với năng suất sản xuất hiện tại, mỗi năm công ty sử dụng 24 tấn rong biển loại này. Bên cạnh đó, trong sản xuất mỗi cặp đế giày còn sử dụng 5 chai nhựa 600ml, tương đương khoảng 36 tấn nhựa mỗi năm.

tảo biển sargasso

Tảo biển sargasso.

Nhờ sự hợp tác với công ty Plastic Oceans, một phần dự trữ sẽ được dành cho việc làm sạch các đại dương. “Đối với chúng tôi, đây không chỉ là một công ty. Chúng tôi giảng bài, chúng tôi muốn truyền đạt triết lý này. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đóng góp cho sự phát triển các thế hệ mới để họ có một tương lai tươi sáng hơn”, ông Jorge Emmanuel Castro - người sáng lập công ty đồng thời là nhà phát minh ra ý tưởng này nói.