Mang yêu thương đến mọi miền tổ quốc
Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân", thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, mang yêu thương đến nhiều vùng đất khó khăn. Có thể kể đến như Chương trình “Khám sàng lọc, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân và trao học bổng cho học sinh trên địa bàn xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang" ngày 6/8/2022. Chương trình là sự phối hợp giữa Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cùng Trung Tâm Y học Hạt nhân - Bệnh viện Bạch Mai; Huyện đoàn Xín Mần, UBND xã Nấm. Thông qua Chương trình giúp bà con nhân dân xã Nấm Dẩn nắm được tình hình sức khỏe của bản thân, có hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng đã trao những suất học bổng và phần quà cho các cháu học sinh và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Nằm trong khuôn khổ Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022, Tạp chí cũng đã thực hiện chương trình trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trồng cây xanh" tại trường tiểu học Đồng Tháp, xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) ngày 17/7 và Trường tiểu học Hưng Mỹ, xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) ngày 7/10.
Ngày 15/10, nhân dịp kỷ niệm ngày Vì người nghèo (17/10), Tạp chí cùng Công đoàn Trụ sở chính Ngân hàng Agribank đã tổ chức trao nhà tình nghĩa cho gia đình hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại tỉnh Yên Bái. Khoản kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa 150 triệu đồng cũng đã được Tạp chí trao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái để hỗ cho cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần giúp đỡ những gia đình ấy vươn lên trong phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tạp chí Kinh tế Môi trường trao kinh phí cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho người nghèo tại Yên Bái.
Ghi tên mình ở những giải thưởng lớn
Không chỉ ghi dấu ấn bằng những hoạt động thiện nguyện, công tác chuyên môn báo chí – truyền thông về lĩnh vực môi trường của Tạp chí cũng đã đạt được thành công lớn. Ngày 27/9/2022, vượt qua 525 bài viết từ 317 tổ chức và cá nhân, với 19 loạt bài và 506 tác phẩm đơn lẻ, loạt bài 5 kỳ: "Ao, hồ tại Hà Nội bị "gặm nhấm" trong cơn lốc đô thị hóa" đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi viết về "Bảo vệ Môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội lần thứ II".
Đây là lần thứ hai cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội" được báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT TP.Hà Nội tổ chức, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội chủ trì, theo Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 12/01/2022 của TP.Hà Nội.
Loạt bài 5 kỳ được đánh giá phản ánh rõ nét về thực trạng san lấp, lấn chiếm, ô nhiễm ao, hồ trên địa bàn TP.Hà Nội, đồng thời đề xuất một số giải pháp từ các chuyên gia để Hà Nội giữ gìn, bảo tồn ao, hồ, bảo vệ những "lá phổi xanh" trên địa bàn thành phố. Tác phẩm được nhận xét là đầu tư công phu, gây ấn tượng mạnh khi được trình bày dưới hình thức Longform với các hình ảnh mang tính báo chí cao, sắc nét,.. làm rõ được tình trạng lấn chiếm ao hồ trên địa bàn TP.Hà Nội dẫn tới những hệ luỵ không nhỏ về môi trường.
Không chỉ dành giải nhất cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội", ngày 7/12/2022, Tạp chí lại một lần nữa ghi tên mình tại giải “Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022”. Loạt bài viết 5 kỳ với chủ đề “Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng” đã xuất sắc vượt qua hơn 300 tác phẩm giành Giải Đặc biệt - giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
Loạt bài được đánh giá phản ánh trung thực, sáng tạo các kết quả, thành tựu của công tác tiết kiệm năng lượng với nhiều nội dung về tuyên truyền tiên tiến, kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp, công trình xây dựng, các nghiên cứu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Ban tổ chức trao Giải Đặc biệt cho nhóm tác giả Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Nhiều hội thảo ý nghĩa được tổ chức
Bên cạnh đó, các hội thảo nhằm cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức, cá nhân và người dân cũng được Tạp chí đặc biệt quan tâm. Mới đây, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2023, ngày 1/6, Viện Chính sách Kinh tế môi trường (EEPI) đồng hành cùng Tạp chí và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam”.
Tọa đàm có sự tham gia của gần 30 đại biểu là đại diện Vụ Môi trường, đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE),… cùng nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường, đại diện doanh nghiệp và các cơ quan báo chí tham dự đưa tin.
Tọa đoàn tập trung về thực trạng chất thải nhựa hiện nay, những thách thức đặt ra cho xử lý chất thải nhựa; những chính sách về giảm thiểu chất thải nhựa đã có hiện nay; tiếp cận mô hình kinh tế đối với chất thải nhựa và giới thiệu một số mô hình tuần hoàn đã triển khai trong ngành nhựa, có tính khả thi đối với doanh nghiệp.
Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam".
Trước đó, ngày 27/4/2022, Viện chính sách Kinh tế Môi trường phối hợp với Group Chúng tôi là Tư vấn Môi trường tổ chức "Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020".
Ngày 30/6-2/7, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp”.
Ngày 23/9, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?". Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực có liên quan.
Ngày 2/12, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".
Qua đó có thể thấy, Tạp chí Kinh tế Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Phía trước chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn, và để vượt qua chính mình là điều không dễ dàng, song với thành tích đã đạt được, Tạp chí sẽ tiếp tục dồn lực nâng cao chất lượng bài viết, cũng như tiếp nối yêu thương giúp đỡ được nhiều hơn nữa những vùng đất, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.