Vân Anh ·
2 năm trước
 2817

Tập huấn truyền thông bảo tồn loài hoang dã nguy cấp dành cho cán bộ quản lý và tuyên truyền tại vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên

Vừa qua, trong 2 ngày 14,15/7, cán bộ quản lý đến từ nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các cơ quan, tổ chức về môi trường khu vực miền Bắc đã tham gia lớp tập huấn truyền thông bảo tồn loài hoang dã nguy cấp tại Hà Nội.

Hoạt động tập huấn này do Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phối hợp với đơn vị tư vấn Trung tâm phát triển cộng đồng sinh thái tổ chức trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” (dự án WLP) do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học triển khai, được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới (WB).

Đây là lớp tập huấn mở đầu cho chuỗi tập huấn truyền thông về bảo tồn loài hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học dành cho cán bộ quản lý ba miền Bắc, Trung, Nam trong khuôn khổ dự án WLP. Hoạt động có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Vân Anh - điều phối viên dự án WLP, các giảng viên là nhóm chuyên gia đầu ngành về bảo tồn đa dạng sinh học và truyền thông cùng 30 cán bộ quản lý đến từ 19 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các cơ quan, tổ chức về môi trường khu vực miền Bắc.

Đại diện 19 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và các cơ quan, đơn vị tham gia tập huấn.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Vân Anh, điều phối viên dự án WLP chia sẻ, các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học đều ý thức được rằng, truyền thông là một trong những công cụ hiệu quả nhất để lan tỏa thông điệp và kêu gọi cộng đồng thay đổi nhận thức, hành vì về bảo tồn loài hoang dã. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là nhiều cán bộ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về truyền thông, dẫn đến hiệu quả bảo tồn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh phát biểu chào mừng đại biểu tham dự khoá tập huấn

Nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý thực hiện công tác truyền thông hiệu quả, hoạt động tập huấn truyền thông bảo tồn loài hoang dã nguy cấp được tổ chức với trọng tâm hướng đến việc cập nhật kiến thức và xu hướng truyền thông mới và hướng dẫn thực hành các công cụ, kỹ năng truyền thông cơ bản. Đồng hành cùng các cán bộ trong lớp tập huấn là nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông về môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, bao gồm: Ths. Hoàng Thị Ngọc Hà - chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Ths. Trần Thị Hoa Mai - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và anh Vũ Ngọc Dũng - chuyên gia nghiên cứu và thực hành truyền thông phát triển, truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong 2 buổi tập huấn, các học viên đã được tiếp cận kiến thức tổng quát về truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học, các công cụ lập kế hoạch truyền thông, thiết kế hình ảnh, dựng phim và sản xuất chương trình phát thanh. Các đại biểu được thực hành các kỹ năng này ngay trên lớp để làm quen với những kỹ năng cơ bản như: chụp ảnh và quay video, thiết kế áp phích, poster tuyên truyền, dựng phim bằng phần mềm, xây dựng bản tin phát thanh và những thực hiện nhiều khác. Trong buổi sáng ngày 15/7, nhiều nhóm học viên đã tự sản xuất được những đoạn phim ngắn, những bản tinphát thanh có thông điệp rõ ràng nhờ phần mềm chỉnh sửa chuyên dụng.

Nhóm các học viên thực hiện bản tin phát thanh trong giờ thực hành của buổi
tập huấn

Không chỉ lắng nghe chia sẻ của giảng viên, một số cán bộ quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng trao đổi về phương pháp, kinh nghiệm và kết quả của hoạt động truyền thông bảo tồn loài hoang dã tại địa phương. Trong đó, nhiều địa phương có nhiều sáng kiến hay, có tính ứng dụng cao, có thể được các đơn vị khác học tập và làm theo.

Anh Đào Ngọc Hiếu đại diện Vườn quốc gia Cát Bà chia sẻ kinh nghiệm tổ chức công tác tuyên truyền bảo tồn loài hoang dã trong lớp tập huấn.

Chia sẻ sau buổi tập huấn, anh Nguyễn Đình Văn, cán bộ đại diện Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho rằng, kiến thức thu được từ buổi tập huấn có thể hỗ trợ đắc lực cho công tác định hướng, tổ chức hoạt động tuyên truyền tại đơn vị để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã” mà trung tâm hướng đến. Trong khi đó, chị Lê Thị Xinh, cán bộ đại diện Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng những kỹ năng truyền thông như quay chụp, cắt ghép, tạo video được học trên lớp có thể áp dụng ngay vào công tác chuyên môn của đơn vị.

Lớp tập huấn truyền thông bảo tồn loài hoang dã nguy cấp khu vực miền Bắc kết thúc vào trưa ngày 15/7/2022. Sắp tới đây, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái và Ban Quản lý dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” (dự án WLP)” sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn dành cho cán bộ bảo tồn tại miền Trung và miền Nam. Sau khi kết thúc các lớp tập huấn ở cả 3 miền, hoạt động này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động vì loài hoang dã nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tự nhiên.

VA