Thành Vũ ·
45 tuần trước
 9013

Tập trung “gỡ khó” cho vật liệu san lấp các dự án trọng điểm bằng cát biển

Để gỡ khó cho nguồn cung ứng vật liệu xây dựng các dự án trọng điểm, trong năm 2024, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có đẩy mạnh đánh giá trữ lượng cát biển.

Sản sẻ cát giữa các địa phương 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ đạo về Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, chỉ đạo nhiều giải pháp đến các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng.

Thực hiện theo công điện ngay từ thời điểm đầu năm, các địa phương cũng đang tích cực gỡ khó, đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến cung ứng vật liệu xây dựng. Trong đó có sự chủ động phối hợp, san sẻ giữa các địa phương.

Cụ thể TP.HCM đang tiến hành đàm phán với tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre để nhận nguồn cát hỗ trợ dự khiến khoảng 10 triệu tấn. Thời điểm này chính quyền TP.HCM đang phối hợp với 6 tỉnh ĐBSCL để cụ thể hóa phương án cung ứng.

Nhiều dự án đang đẩy mang nguồn cung vật liệu san lấp để đảm bảo tiến độ.

Theo đó, ngay trong tháng 1 dự khiến TP.HCM sẽ xây dựng danh mục cụ thể về trữ lượng cát gắn với địa điểm và lộ trình khai thác phục vụ dự án Vành đai 3. Đây cũng là nỗ lực phối hợp giữa thành phố và các tỉnh lân cận. Nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng hơn hết là các địa phương đang nỗ lực để thực hiện theo đúng cam kết tiến độ đã đề ra. 

Gỡ vướng mắc trong cung cấp vật liệu

Mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ phấn đấu có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt các dự án trong thời gian qua đã dẫn đến khan hiếm nguồn cung.

Để tháo gỡ khó khăn, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều "cơ chế đặc thù" liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục cấp phép, khai thác mỏ,… để cung cấp vật liệu cho các dự án trọng điểm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với việc thực hiện dự án điều tra tài nguyên cát biển để phục vụ các dự án công trình giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong khi chờ Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua, để tháo gỡ vướng mắc đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và triển khai các nghị quyết của Quốc hội về "áp dụng cơ chế đặc thù", Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Khoáng sản cũng đã bổ sung quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng Quốc gia.

Trước đó, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn các địa phương có dự án đi qua và nằm trong hồ sơ dự án, về quy trình, thủ tục đăng ký khối lượng, khu vực khai thác mỏ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Công văn hướng dẫn các địa phương được Quốc hội cho phép áp dụng các "cơ chế đặc thù" triển khai hệ thống đường bộ cao tốc nhằm rút ngắn thời gian, có thể khai thác ngay vật liệu cung cấp cho dự án.

Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có công văn hướng dẫn các địa phương khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù; trả lời các địa phương về các vướng mắc trong quá trình triển khai việc cung cấp vật liệu.

Đánh giá cao các kết quả mà các đơn vị địa chất và khoáng sản đã đạt được trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, thời gian tới, bên cạnh công việc hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt là hoàn thiện dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, các đơn vị địa chất, khoáng sản cần tăng cường đánh giá trữ lượng địa chất khoáng sản để có cơ sở cấp phép, khai thác hiệu quả.

Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Văn Nguyên, Cục phó Địa chất Việt Nam nêu rõ tính chất của cát sông và cát biển là đều có nguồn gốc phong hóa giống nhau từ các đá trong lục địa, có chung thành phần khoáng vật chính (khoáng vật thạch anh).

Cục phó Địa chất Việt Nam nhấn mạnh, đối với nhu cầu làm vật liệu san lấp thì cát biển và cát sông đều sử dụng được. Tuy nhiên, với nhu cầu làm cốt liệu xây dựng (vữa và bê tông) thì việc sử dụng cát biển phải được nghiên cứu ở từng mỏ để đề ra giải pháp xử lý đáp ứng theo yêu cầu của cốt liệu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia.