Thành Phong ·
1 năm trước
 9035

Tây Ninh: Nhà máy xử lý rác quá tải, môi trường bị đe dọa nghiêm trọng

Hàng trăm tấn rác dồn ứ, nước rỉ rác phát tán khắp nơi, môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân là hiện thực đang xảy ra xung quanh Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh.

Cuộc sống không còn bình yên

Thời gian gần đây, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được rất nhiều phản ánh của người dân ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) về tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh.

Theo người dân cho biết, những năm gần đây Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh luôn trong tình trạng quá tải, lượng rác thải thu gom đưa về nhà máy không kịp xử lý đã chất cao thành núi, nước rỉ rác phát tán khắp nơi, thậm chí là tràn sang cả những khu đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Cũng theo người dân, thực trạng này kéo dài khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn và hàng chục ha đất canh tác sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, môi trường xung quanh bãi rác luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bủa vây từ trong nhà ra tới ngoài sân, cây trồng thì bị chết, thối rữa, nguồn nước ngầm thì có dấu hiệu bị ô nhiễm trầm trọng.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường một hộ dân sống gần khu vực bãi rác trên chia sẻ: “Nguồn nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều khi ở đây, dùng nước giếng này tắm có người ngứa chịu không nổi luôn. Mỗi lần chiều đốt là khói sà bay ngang nhà, y như sương mù vậy, gió hắt hướng nào là mùi hôi không chịu nổi.

Ai cũng sợ bệnh, nhưng cái này thì lâu ngày thấm dần, đâu phải thuốc độc đẩy cái chết liền đâu. Khổ thì ở đại, lo thì lo chứ không làm gì được. Tới đâu tính tới đó, do khổ không có chỗ ở nên mới phải ở đây. Bệnh đau chừng nào lo tới đó chứ giờ mình không lo trước được. Ớn dữ lắm rồi”.

Không chỉ phải sống chung với ô nhiễm môi trường, theo ghi nhận hằng ngày người dân nơi đây còn phải chống chọi với một lượng ruồi nhặng rất lớn. Đặc biệt vào mùa khô, ruồi sẽ xuất hiện nhiều hơn và bám vào đồ ăn, đồ sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Để ứng phó với tình trạng này, nhà cửa luôn phải đóng kín, đặt các miếng bẫy ruồi, thậm chí có thời điểm ăn cơm phải bỏ mùng để ngăn ruồi.

Tương tự, hộ gia đình ông Trương Công Cảnh (75 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi) đang trực tiếp sinh sống, canh tác ngay bên cạnh nhà máy xử lý rác cho hay gia đình ông đã sinh sống hơn 40 năm tại khu vực này, đến năm 2004 thì bãi rác xuất hiện và đi vào hoạt động cho đến nay.

Quá trình hoạt động, Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh đã xuất hiện nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân như tràn nước thải, sập bờ tường rào bãi rác, thậm chí đất và nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Quá trình hoạt động, Nhà máy xử lý rác này đã tạo ra hàng loạt những hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng nghiêm trong đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Để duy trì cuộc sống, gia đình ông Cảnh phải tiến hành khoan giếng sâu hàng chục mét, trang bị nhiều máy lọc nước, bẫy ruồi, che chắn nhà cửa, đào mương nước,… để hạn chế những tác động tiêu cực từ nhà máy rác xử lý này mang lại.

“Ô nhiễm dữ lắm rồi, giờ bơm nước đâu xài được đâu. Bây giờ  phải xài nước bình hoặc máy lọc chứ không dám xài nước này. Tôi ở đây trên 40 năm, bãi rác mở năm 2004, dân thưa gửi nhiều cũng không thấy giải quyết được. Không có bãi rác thì chỗ này ở yên quá trời, lãnh đạo cho di dời bãi rác mà cho di dời thì dân ở đây biết vui chừng nào,”… ông Cảnh nói.

Núi rác ngập trời, ô nhiễm bủa vây

Theo chỉ dẫn của người dân, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã nhiều ngày có mặt tại khu vực Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh.

Theo quan sát, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe ép vận chuyển hàng trăm tấn rác thải các loại thường xuyên ra vào khu vực nhà máy xử lý này.

Bên trong nhà máy xử lý rác, hàng ngàn tấn rác thải các loại được tập kết, chất thành đống cao hàng chục mét và không được che chắn theo quy định. Nước rỉ rác, nước mưa đọng xuất hiện khắp nơi trong khu vực chứa, xử lý rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đặc biệt, khu vực lò đốt của nhà máy liên tục thải ra ngoài môi trường những cột khói đen khiến bầu không khí không còn trong lành.

Tại khu vực phía sau nhà máy xử lý rác, một đoạn tường bao khu vực chứa rác thải dài khoảng 40 mét đã bị đổ sập từ khoảng cuối năm 2022. Tường bao sập khiến hàng chục tấn rác thải cùng với một lượng lớn nước rỉ rác đã tràn sang khu đất sản xuất của người dân, khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị chết khô, thiệt hại nặng nề kinh tế.

Một phần tường rào khu vực chứa rác bị đổ sập từ năm 2022, thế nhưng đến nay Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh vẫn chưa khắc phục xong sự cố này.

Để bảo vệ tài sản và duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, một số hộ dân đã phải chi hàng chục triệu đồng để thuê máy múc, tiến hành đào mương dọc theo tường rào của nhà máy xử lý rác để ngăn không cho nước rỉ rác thấm qua diện tích đất cây trồng và đề nghị nhà máy xử lý rác này đền bù thiệt hại.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Thái Minh Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng thông tin, trong quá trình hoạt động Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh đã nhiều lần xảy ra sự cố như tràn nước thải, vỡ tường bao,… gây ảnh hưởng đến môi trường và thiệt hại cho người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Đáng nói, các sự cố xảy ra, Công ty không chủ động báo cáo với địa phương mà các thông tin chủ yếu từ các hộ dân bị thiệt hại. Sau mỗi phản ánh của người dân, UBND xã đã cứ cán bộ xuống ghi nhận hiện trường, làm việc với đại diện nhà máy xử lý rác và lập biên bản, đề xuất đến huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường.

“Từ khi bài rác hình thành đến nay xã cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về mùi hôi, ruồi nhặng,.. Hầu như các sự cố xảy ra Công ty đều không báo cáo, đa số là người dân phản ánh. Sự cố sập tường bao hay tràn nước thải cũng do người dân cung cấp.

Các sự cố xảy ra xã đều đến hiện trường ghi nhận, trao đổi với Công ty và đề xuất UBND huyện các vấn đề như: Công ty phải có giải pháp để giảm thiểu tối đa nước rỉ rác chảy ra môi trường, khi có sự cố xảy ra cần kịp thời chủ động báo với địa phương. Khi xảy ra sự cố có thiệt hại thì phải có sự thỏa thuận với người dân để bù đắp,…”- ông Điệp nói.

Để làm rõ những thông tin phản ánh có liên quan đến hoạt động của Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, Phóng viên đã tiếp tục liên hệ và đặt lịch làm việc với các đơn vị có liên quan.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo!