Hữu Linh ·
2 năm trước
 3603

Thái Bình: 11,8 ha đất nông nghiệp xứ Đồng Gạo bị "hô biến" thành khu nhà ở vô tội và, trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu?

Vùng đất tại xứ Đồng Gạo, thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, vốn là khu đất gồm 100% đất nông nghiệp, thâm canh hai lúa với tổng diện tích khoảng 11,8ha. Thế nhưng không hiểu bằng cách nào khu vực này đã "mọc" lên khoảng 50 nóc nhà, nhiều công trình khang trang kiên cố trong khi chưa hề chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm giảm sát, quản lý của cán bộ cấp huyện, tỉnh ở đâu?

"Hô biến" đất nông nghiệp thành...khu đô thị, sau 10 năm vẫn chưa trả lại nguyên trạng đất

Vùng đất tại xứ Đồng Gạo, thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, vốn là khu đất gồm 100% đất nông nghiệp, thâm canh hai lúa với tổng diện tích khoảng 11,8ha. 

Vào năm 2007, UBND xã Vũ Chính tổ chức hội nghị với sự tham gia của Hội Nông dân, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tống Vũ và đại diện 5 thôn trong toàn xã để xét duyệt quy hoạch chi tiết vùng thủy sản, trang trại tại xứ Đồng Gạo trình UBND TP.Thái Bình thẩm định, phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất cấy lúa kém hiệu quả theo quy định.

Hội nghị họp bàn nội dung quy hoạch chi tiết vùng đất lúa chua trũng, xấu, kém hiệu quả để phát triển thành vùng thủy sản, trang trại ở 5 thôn kể trên. Trong đó, riêng diện tích khu vực Đồng Gạo, thuộc thôn Vũ Trường được chuyển đổi mục đích canh tác là 11,3 ha đất lúa, thuộc quyền sử dụng của 154 hộ dân. Bốn thôn còn lại, tổng diện tích chuyển đổi là 28,7 ha với 351 hộ.

Theo kết luận hội nghị, trong các vùng quy hoạch vừa nêu ở trên, cần mở đường giao thông nội đồng, máng tưới tiêu, đảm bảo vận chuyển vật tư, phân bón, hàng hoá và đảm bảo tưới tiêu cho thủy sản, cây con theo hướng hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. 

Việc các hộ đào ao, lập vườn và xây dựng nhà tạm, nhà kho, chuồng trại phải đảm bảo theo quy định của UBND xã và quy định pháp luật. Nghiêm cấm các hộ xây tường. Các hộ không được xây dựng trái với dự án cho phép, không được sử dụng vào mục đích khác như làm nhà ở, nơi sản xuất thủ công nghiệp…

Tuy nhiên, khi chủ trương chuyển đổi nói trên còn đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thì tại xứ Đồng Gạo, người dân đã đua nhau tự ý dồn điền, đổi thửa, đào đắp hệ thống giao thông thủy lợi nội vùng. Và rồi một số cá nhân không hiểu bằng cách nào đã ngang nhiên đồng loạt "hô biến" vùng đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thành đất xây nhà. 

Đồng Gạo

Hàng chục nóc nhà xây trái phép tại khu vực Đồng Gạo, thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính, TP Thái Bình nhìn từ trên cao

Đồng Gạo

 

Đồng Gạo

Khu vực đất nông nghiệp tại khu vực Đồng Gạo, thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, nay đã bị biến tướng thành khu nhà ở

Tại khu vực này, có rất nhiều công trình nhà ở, từ mái lợp ngói, nhà mái bằng 1 tầng, nhà nhiều tầng, biệt thự. Có công trình đã sử dụng, có biệt thự đang xây dựng và một số thửa đất đã khoanh lô, quây tường rào, có cổng.

Dù chưa được chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng đất, những cá nhân này vẫn chuyển nhượng, mua bán trao đổi, sau đó người nọ bảo người kia đua nhau xây nhà. Theo báo cáo của ngành chức năng TP.Thái Bình, qua kiểm tra phát hiện tại xứ đồng Gạo có trên dưới 50 trường hợp xây dựng công trình trái phép bao gồm nhà ở, vườn cây, ao cá, xưởng sản xuất. Một số căn nhà, biệt thự tại đây được cho rằng thuộc sở hữu của một số cán bộ, chủ doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn nhiều công trình khác như nhà mái bằng hai tầng hoặc công trình nhà ở đổ mái bê tông cốt thép của hộ bà N.T.T.H - nguyên lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thái Bình (đã về hưu)...

Đáng nói, sự việc sai phạm kể trên diễn ra suốt hơn chục năm nay, báo chí đã nhiều lần vào cuộc phản ánh, chính quyền địa phương cũng đã cam kết sẽ khẩn trương xử lý sai phạm, thế nhưng thực trạng nói trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trả lại nguyên trạng đất.

Câu hỏi cho trách nhiệm giảm sát, quản lý của cơ quan chức năng

Ông Phan Văn Báu - Chủ tịch UBND xã Vũ Chính, TP.Thái Bình cho biết: "Khó khăn của địa phương là hầu hết các hộ được giao đất để sản xuất, canh tác đất ruộng trước đây đều đã bán lại cho những người khác. Việc mua qua bán lại sau này cứ thế âm thầm, nối tiếp nhau, chủ nhân hiện tại của các công trình sai phép đa số không phải người xã này, khi đoàn công tác xuống kiểm tra, xử lý thì họ lại đi vắng, cố tình không hợp tác".

Về phía chính quyền xã, cơ quan này đã ban hành hàng loạt Quyết định, Biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng với các công trình vi phạm.

Trong đó có thể kể tới công trình nhà 1 tầng dạng biệt thự diện tích 15m x 8m, đổ mái vật liệu bê tông xi măng, của hộ ông Đào Văn Thanh (được cho là chủ một doanh nghiệp xây dựng, SN 1977, ngụ Tổ 19, phường Trần Lãm, TP Thái Bình); công trình tương tự khoảng 80m2, tường cao 3m, đang hoàn thiện của hộ ông Nguyễn Quang Chất (ngụ xã Song An, huyện Vũ Thư); công trình nhà mái bằng hai tầng diện tích 10m x 4,5m x 3m bằng cột bê tông cốt thép của hộ ông Lê Minh Ngọc (SN 1957, ngụ Tổ 20A, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình); công trình nhà ở diện tích 12,5m x 8,5m, đổ mái bê tông cốt thép, đã hoàn thiện và sử dụng của hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hương (ngụ phường Tiền Phong, TP Thái Bình)... 

Xử phạt là vậy, nhưng sai phạm thì quá nhiều. Ngoài các công trình đã và đang xây dựng vừa kể, hầu như toàn bộ diện tích hơn 11 ha đất quy hoạch chuyển đổi tại khu vực Đồng Gạo, thôn Vũ Trường được cho là đều đã tự ý mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ vô tội vạ. 

Không có một nơi nào công trình sai phạm lại "mọc" lên một cách đồng loạt, bề thế, liên tiếp trên diện tích lớn như vậy trong một thời gian dài. 

Không thể nói rằng những việc này chỉ người dân sai, để một khu vực đất nông nghiệp hàng chục ha bị sử dụng sai mục đích, xây nhà khang trang,... trong khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất là trách nhiệm của chính quyền sở tại. Và mặc dù cơ quan chức năng nói rằng có quyết định xử phạt, sẽ nỗ lực để trả lại nguyên trạng đất, nhưng sự thật là cả chục năm nay tình trạng này vẫn vậy, thậm chí bị xâm lấn tệ hại hơn. 

Người ta đặt câu hỏi rằng, liệu có ai “chống lưng” trong sự việc này? Và trách nhiệm giảm sát, quản lý của cán bộ cấp huyện, tỉnh ở đâu?