Đinh Hà ·
2 năm trước
 10555

Thái Bình: 68 lô đất sử dụng trái mục đích, gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Từ lô đất thuộc khu quy hoạch dân cư đã được bán đấu giá bỗng chốc được "hô biến" thành cụm công nghiệp xây dựng trái phép và xả thải khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Vấn đề này đã được người dân nhiều lần kiến nghị và phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Khu quy hoạch dân cư biến thành cụm công nghiệp trái phép

Khu quy hoạch dân cư thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) bao gồm 68 lô đất ở lâu dài là khu đất đã được xã bán cho một số người dân thông qua đấu giá.

Thế nhưng, theo ghi nhận từ Báo Lao động, khu đất này bỗng nhiên mọc lên 3 công ty bao gồm Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp An Hiệp (Công ty An Hiệp), Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Hồng Nhật (Công ty Hồng Nhật), Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Mai Ánh (Công ty Mai Ánh) lập thành 1 cụm công nghiệp xây dựng xưởng sản xuất trái phép, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời phá nát quy hoạch chung của địa phương và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh,

Theo ghi nhận thực tế, tại khu cánh đồng Lẻ (cũ) thuộc thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà có tổng diện tích khoảng hơn 6,5ha, trong đó chia thành 2 khu đất chính: 1 khu đã cơ bản thực hiện xong hạ tầng kỹ thuật có diện tích khoảng 1,3ha, nằm ngay đoạn từ Quốc lộ 39B đấu nối vào đường huyện ĐH.63 xã Phúc Khánh đi xã Thái Phương; khu còn lại có diện tích khoảng 5,2ha, hạ tầng chưa được hoàn thiện, còn nham nhở, nằm phía sau giáp với khu thứ 1 vừa nêu.

cụm công nghiệp

"Cụm công nghiệp" ở thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh. (Ảnh: T.T)

Tại khu đất thứ 1, có hai công ty đang hoạt động, sản xuất ngành nghề dệt may với trụ sở, nhà xưởng kiên cố, bề thế tọa lạc trên diện tích hàng nghìn m2 đất, đó là Công ty An Hiệp và Công ty Hồng Nhật. Trong khi đó, tại 1 phần của khu đất thứ 2, hàng nghìn m2 đất khác chính là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng sản xuất của Công ty Mai Ánh. Cả khu vực giống như một "cụm công nghiệp" nhỏ, chứ không phải đất ở dân cư.

Tuy nhiên, theo tài liệu do người dân cung cấp, loạt công ty, nhà xưởng nói trên 100% không được quy hoạch đất công nghiệp dịch vụ, không được cấp phép xây dựng, không thực hiện các thủ tục về đầu tư, môi trường, cũng chưa được cấp có thẩm quyền thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Xả thải gây ô nhiễm môi trường, chính quyền đùn đẩy trách nhiệm?

Theo những người dân tại khu vực này, Chi nhánh số 1 Công ty An Hiệp trong quá trình hoạt động sản xuất hàng may mặc đã thường xuyên xả khói có mùi khét, khó chịu ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình suốt vài năm trở lại đây. 

xả khói

 Công ty An Hiệp xả khói có mùi khét gây ảnh hưởng môi trường. (Ảnh cắt từ clip: Người dân cung cấp)

Ông Nguyễn Xuân Quyến (45 tuổi, trú xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà) cho biết, không chỉ có Công ty An Hiệp mà còn có cả Công ty Hồng Nhật và Công ty Mai Ánh cũng góp phần vào việc xả khói gây ô nhiễm môi trường trên, gây ra hàng loạt các hệ luỵ xấu. Việc này đã được người dân nhiều lần kiến nghị, phản ánh lên chính quyền các cấp nhưng chưa được giải quyết.

Ông Bùi Trọng Đơ, Nguyên Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh - tại thời điểm để xảy ra các sai phạm nói trên, cho biết: "Tôi hiện nay đã không còn đảm nhiệm chủ tịch xã nữa. Vấn đề này đã được UBND huyện, UBND tỉnh giải quyết".

Ở đây có 2 vấn đề cần được làm rõ, 1 là chính quyền có biết cụm công nghiệp này được xây dựng trái phép và ngang nhiên xả thải ra môi trường không, 2 là liệu UBND xã có quá buông lỏng việc quản lý và đùn đẩy trách nhiệm cho các bên khác khi được hỏi về vấn đề này không. 

công ty an hiệp

Công ty An Hiệp (Ảnh: T.D)

công ty hồng nhật

Công ty Hồng Nhật (Ảnh: T.D)

công ty mai ánh

Công ty Mai Ánh (Ảnh: T.D)

Như ta thấy, ở vấn đề thứ nhất, trong suốt quá trình kể từ lúc đất còn là khu quy hoạch dân cư cho đến khi bị "biến" thành cụm công nghiệp, chính quyền có biết chuyện này hay không?

Việc xây dựng công ty, nhà xưởng cần một thời gian dài, hơn nữa cụm công nghiệp này còn lọt thỏm giữa các khu dân cư cũ, xả thải ra môi trường, sản xuất trái phép và cũng đã được người dân nhiều lần kiến nghị, thế nhưng vì sao từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết?

Trong khi đó, tình trạng quy hoạch chung của địa phương bị phá nát và môi trường bị ô nhiễm vẫn ngày đêm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Và thông qua lời của Nguyên Chủ tịch UBND xã, tôi có thế hiểu rằng những kiến nghị, phản ánh của người dân đã không được xem xét thấu đáo nên mới dẫn đến sự chậm trễ này? Và UBND huyện, UBND tỉnh đã giải quyết như thế nào, có thoả đáng không? Nếu đã giải quyết thì tại sao vẫn còn tình trạng nói trên?

Chúng tôi cần câu trả lời rõ ràng từ cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà về vấn đề này nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và cuộc sống người dân cũng như môi trường tại thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.