Văn Lân ·
2 năm trước
 4066

Thái Nguyên: Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, người dân ngày đeo khẩu trang chống dịch, tối đeo khẩu trang để…ngăn mùi hôi thối

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Thân Văn Hùng (xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý. Nhiều người dân nơi đây tỏ ra bất bình trước việc một trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, ngang nhiên xả thải ra đầu nguồn dòng suối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống người dân nơi đây.

Chủ trang trại chăn nuôi lợn này là ông Thân Văn Hùng (Thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Trang trại có tổng diện tích 3ha, quy mô chăn nuôi 3.000 con/lứa. Trước đây, trang trại này do ông Nguyễn Văn Khoái làm chủ, đi vào hoạt động từ tháng 1/2020, sau đó chuyển cho ông Thân Văn Hùng tiếp tục chăn nuôi từ tháng 6/2020 đến nay.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Thân Văn Hùng. (Ảnh: Internet)

Nguồn nước bị biến đổi từ màu xanh tự nhiên sang màu đen

Theo nhiều người dân của xóm Đồng Phú, hơn một năm qua, kể từ khi trang trại chăn nuôi lợn ở đầu nguồn dòng suối Bờ Vai đi vào hoạt động, cuộc sống của bà con trong khu vực đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nguồn nước bị biến đổi rất nhanh chóng từ màu xanh tự nhiên sang màu đen, bọt nổi trắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Nguy hiểm hơn, nguồn nước đầu nguồn bị ô nhiễm đã có hiện tượng ngấm sâu vào mạch nước ngầm của người dân vùng hạ lưu ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Dòng suối trở thành những vũng màu đen đặc hoặc nâu đỏ, bốc mùi hôi thối. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, nguồn nước từ suối Bờ Vai cũng là nguồn nước dùng để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp cho vùng hạ lưu, kể từ khi nguồn nước bị ô nhiễm đã gây hiện tượng cây cối không phát triển, úa vàng, cá chết hàng loạt.

Bà Trần Thị Hưng bức xúc: “Nhà tôi cách trang trại hơn 3m nên suốt ngày phải ngửi mùi hôi thối của phân lợn. Ban ngày chúng tôi đi làm đã phải đeo khẩu trang để phòng chống, dịch COVID-19, vậy mà đêm đến cũng vẫn phải đeo để ngăn mùi phân lợn.

Không những thế, nhiều giếng khơi gần khu vực trại lợn đã xuất hiện mùi hôi cùng vẩn đục, không thể sử dụng được.” 

Cũng sống ở gần trang trại, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết: “Đầu tháng 1 vừa rồi do sơ ý không quan sát nên khi tháo nước suối vào ao, hơn 1 tạ cá trôi, chép… của gia đình tôi đã có biểu hiện ngợp thở và chết đồng loạt.”

Còn bà Đỗ Thị Lâm cho hay: “Trước đây, nước ở suối này rất trong, chúng tôi đi làm đồng về còn vục nước uống. Nhưng từ khi trang trại chăn nuôi được xây dựng, nước suối đã chuyển sang đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Chúng tôi rất lo lắng vì cả sức khỏe và tài sản đều bị ảnh hưởng. Nước suối ô nhiễm chảy quanh xóm khiến trâu bò uống phải bị hỏng thai, lúa chết, cá chết…

Chia sẻ trên trang cá nhân, một người dân tại xã ngao ngán: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, bao đời nay người dân quê tôi trông chờ nguồn thu nhập chính từ cây chè, cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nguồn nước tưới tiêu chủ yếu để phục vụ sản xuất và sinh hoạt là nguồn nước từ con suối Bờ Vai bắt nguồn từ rừng sâu chảy về. Nguồn nước tự nhiên sạch sẽ, dồi dào là thế, các cô, các chị vẫn hay giặt giũ quần áo, chăn màn, mỗi khi đi làm đồng về rửa tay chân và mỗi ngày hè oi ả, trẻ con, người lớn thậm chí cả các bác trung tuổi mỗi buổi trưa thường hay bơi lội, tắm mát ở dòng nước trong sạch sau mỗi ngày lao động vất vả.

Vậy mà mấy năm trở lại đây có doanh nghiệp về xây dựng chuồng trại chăn nuôi tại khu đầu nguồn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, khiến dòng nước trong xanh trước đây giờ trở thành một màu đen ngầu, cá chết, gia súc trâu bò uống phải bị đẻ non, nước bắt vào ao cá chết khiến cho cuộc sống người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của bà con.

Tôi viết lên điều này để bày tỏ nỗi bức xúc của tất cả người dân quê tôi mong các cấp chính quyền bắt tay vào giải quyết để trả lại bầu không khí trong lành, dòng nước trong sạch không ô nhiễm môi trường như hiện tại đảm bảo sức khỏe cũng như nguồn thu  nhập của bà con quê tôi không bị ảnh hưởng

Theo phản ánh của anh K. người dân xã Cát Nê cho biết: “Trước đây, suối Bờ Vai có dòng nước trong xanh, là nguồn cung cấp nước ngầm và nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng ngàn hộ dân trong xã và các vùng lân cận. Nước suối trong xanh, người dân quanh xã thường ra đây tắm. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020 trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Khoái đi vào hoạt động đã xả nước thải trực tiếp vào môi trường không qua xử lý khiến hoa màu và cây lúa không phát triển, úa vàng, cá chết hàng loạt”.

Chủ trang trại nói gì?

Tuy nhiên, theo ông Thân Văn Hùng, Chủ trang trại chăn nuôi lợn xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho biết: sau khi nhận chuyển nhượng trang trại của ông Khoái đã chủ động rà soát lại vấn đề xử lí chất thải và nhận thấy còn nhiều hạng mục chưa đạt tiêu chuẩn.

Cụ thể, các bể chứa chất thải không được lót chống thấm có nguy cơ thẩm thấu, rò rỉ ra môi trường, ngoài ra bể sục cũng chưa đạt tiêu chuẩn, nên ông Hùng đang nạo vét xây dựng lại nhằm đảm bảo môi trường.

Theo ông Thân Văn Hùng thì việc để xảy ra sự cố xả thải vào ngày 17/4/2021 là bất khả kháng do thời tiết mưa to làm tràn bể chứa. Còn hiện nay, trang trại đã và đang có những giải pháp cụ thể nhằm xử lí triệt để nguy cơ gây ô nhiễm ra môi trường.

"Ngày 17/4/2021, do mưa lũ to, hệ thống trang trại mới nuôi được mấy tháng nên sức chứa bị tràn bờ một chút. Khi có phản ánh của bà con nhân dân, chúng tôi đã chỉ đạo nhân viên đắp lại không bị tràn nữa.

Trong thời gian tôi tiếp quản trang trại này vào tháng 8/2020, qua xem xét một thời gian vẫn còn những điểm chưa đảm bảo vấn đề môi trường. Hiện tại, chúng tôi có cam kết với UBND và Sở khi xuất hết lứa lợn này, chúng tôi sẽ cải tạo, xây dựng lại hệ thống xử lý sục khí và tất cả các ao trong trang trại có thể đổ bê tông hoặc lót bạt kín để không rò rỉ ra môi trường" – Ông Hùng cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi ông Hùng làm chủ trang trại, vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện mà tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chính quyền lên tiếng

Người dân cho biết tình trạng suối Bờ Vai ô nhiễm đã hơn 1 năm nay, người dân đã rất nhiều lần phản ánh với lãnh đạo xã Cát Nê, đến huyện Đại Từ cũng như Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên nhưng chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan chức năng.

Quá bức xúc, ngày 17/2/2021 vừa qua, nhiều người dân ở xóm Đồng Phú đã tập trung đông người, lập lán trại ngay tại đập Bờ Vai, lối vào trang trại để chặn xe chở cám, phản đối trang trại do xuất hiện tình trạng cá chết nổi đầy ở suối, nước suối có màu đen, nổi bọt, bốc mùi hôi thối, nước tháo vào ruộng làm lúa lốp,...

Quá bức xúc người dân tụ tập, lập lán trại chặn lối vào cổng của trang trại, gây mất an ninh trật tự. (Ảnh: Internet)

Việc tập trung đông người còn gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự tại đại phương. Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự, vận động, thuyết phục nhiều giờ, người dân mới chịu giải tán.

Ngày 20/2/2021, ông Thân Văn Hùng làm bản cam kết gửi UBND xã Cát Nê và người dân xóm Đồng Phú sẽ thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt ngày 29/1/2019 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hộ ông Nguyễn Văn Khoái (hiện chuyển nhượng cho ông Thân Văn Hùng).

Ông Hùng cam kết sẽ vệ sinh toàn bộ dòng suối từ điểm xả thải của trang trại đến Vai Làng trước 5/3/2021, nước thải phải đảm bảo vệ sinh trước khi thải ra suối và khắc phục ngay các sự cố xả ra trong quá trình vận hành các công trình bảo vệ môi trường của trang trại...

Bản cam kết của ông Hùng. (Ảnh: Internet)

Mặc dù ông Hùng cam kết rất nhiều nhưng theo người dân xã Cát Nê thì chưa thấy ông thực hiện đúng như cam kết và tình trạng xả thải vẫn diễn ra ngày đêm gây ô nhiễm suối Bờ Vai.

Ngày 5/4/2021, UBND huyện Đại Từ đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kì không đúng, không đầy đủ theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt; xả thải vào nguồn nước không có giấy phép với lượng chất thải 64,3m³/24 giờ”.

Tổng mức phạt 4 hành vi vi phạm trên là 328 triệu 500 nghìn đồng.

Ông Vũ Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho hay: "Ngay sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của cử tri về việc trang trại xả thải, UBND xã ngay lập tức cùng với bà con nhân dân tiến hành lập biên bản và yêu cầu trang trại khắc phục ngay tình trạng xả thải; đồng thời, chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện để xử lý.

Đối với kiến nghị của địa phương, chúng tôi cũng đề nghị các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra quy trình xử lý môi trường của trang trại để làm sao khắc phục được tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường".

Theo quy trình xử lý nước thải của trang trại chăn nuôi heo thì phải đảm bảo đủ các bước sau: Nước thải chăn nuôi heo sẽ đổ vào hệ thống biogas, sau đó đi đến hố gom, đến bể điều hòa, qua bể Anoxic, bể Aerotank, qua bể lắng đến hồ sinh học qua bể khử trùng đến bể lọc áp lực sau đó mới đến nguồn tiếp nhận.