Thành Vũ ·
35 tuần trước
 8166

Thái Thụy - Thái Bình: Bến trung chuyển tro xỉ hoạt động không phép, gây ô nhiễm

Nằm ngoài bãi đê sông Trà Lý thuộc địa bàn xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bến trung chuyển tro xỉ của công ty TNHH Phú Thịnh Thắng nhiều năm qua hoạt động không phép, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước và lãng phí đất công điền.

UBND tỉnh Thái Bình đã có yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019, Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 1/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh. Kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi ngoài bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m; yêu cầu các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý không được tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao chất tải, xử lý nghiêm các bến bãi nếu vi phạm.

Các vụ vi phạm mới phải được ngăn chặn, giải quyết triệt để ngay từ lúc phát sinh, không để phát sinh thêm vụ vi phạm mới, đặc biệt là các vi phạm về xây dựng công trình, khai thác đất trái phép.

Đối với các vụ vi phạm tồn đọng, phải kiểm tra, rà soát cụ thể, chi tiết từng vụ vi phạm. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để tiến hành xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, trong đó tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây ô nhiêm môi trường, đặc biệt các công trình xây dựng trên bãi sông ở một số xã, thị trấn như các xã: Độc Lập, Tân Lễ, Cộng Hòa (huyện Hưng Hà), Hồng Bạch, Đông Quan, Trọng Quan (huyện Đông Hưng); Thụy Ninh, Thụy Việt, Thái Thọ (huyện Thái Thụy), Đông Minh, Vũ Lăng, Nam Hưng (huyện Tiền Hải), Quốc Tuấn, Trà Giang, Minh Tân, Vũ Hòa, An Bình (huyện Kiến Xương), Hòa Bình, Vũ Đoài (huyện Vũ Thự), thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ)…

Thực hiện nghiêm trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về đê điều theo quy định của Luật Đê điều; ban hành, rà soát, bổ sung và thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điêu, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Thái Bình giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố theo dõi, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm kịp thời và hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền và phối hợp xử lý với các hành vi vi phạm về đê điều và phòng, chống thiên tai theo quy định.

Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện này, mới đây tại bãi ngoài đê sông Trà Lý thuộc địa bàn xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vẫn đang tồn tại  bến bãi không được phép nhưng vẫn hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Tại hiện trường, theo ghi nhận của phóng viên, bãi ngoài đê sông Trà Lý nằm chạy dài từ sau đền Bà đến cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang được chủ bến bãi dùng tro xỉ san gạt một phần diện tích làm nền cho phương tiện chuyên chở tro xỉ ra bến sông.

Lượng lớn tro xỉ được chất tải và san gạt tại bãi Đông sông Trà Lý - Ảnh hiện trường ngày 15/8/2023.

Để có thông tin chính xác hơn về diện tích đất này thuộc đơn vị nào quản lý và hoạt động của đơn vị bến bãi trung chuyển tại đây, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc cùng xã đại diện UBND xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy.

Tại buổi làm việc, ông Giang Văn Liền, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn bộ phần diện tích hơn 3.000m2 trên là bãi Đông, có nguồn gốc là đất nuôi trồng thủy sản và trước đây các hộ dân có làm bến bãi vật liệu xây dựng. Nhưng đến các năm 2014 - 2015, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, chính quyền địa phương cùng các ngành đã di dời, nghiêm cấm hoạt động bến bãi tại đây. 

"Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, bến bãi trung chuyển để phục vụ tiêu thụ tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, do Công ty Phú Thịnh Thắng của vợ chồng anh Hạnh, chị Yến được đặt ở vị trí đó. Diện tích đó do nằm trên địa bàn xã, nhưng xã không cho đơn vị nào thuê thầu và không hưởng bất cứ nguồn thu nào từ hoạt động bến bãi ở đó", ông Liền nhấn mạnh.

Ông Giang Văn Liền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cung cấp thực tế diện tích bãi Đông trên bản đồ cho Phóng viên.

Trong quá trình làm việc với Phóng viên, ông Liền có gọi điện cho một người tên Yến và yêu cầu đến trụ sở UBND xã làm việc về nội dung mà Phóng viên cung cấp hiện trạng đang diễn ra tại bãi Đông. Sau đó, một phụ nữ tự xưng là Yến đã trao đổi cùng lãnh đạo xã và Phóng viên.

Theo bà Yến cho biết, bến trung chuyển trên là của vợ chồng bà, mang tên Phú Thịnh Thắng, là đơn vị trung chuyển tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình xuống tàu cập sông Trà Lý để đưa đi tiêu thụ.

"Doanh nghiệp đã lập dự án và triển khai xin cấp phép bến trung chuyển tại đó, nhưng có vài thủ tục gặp vướng mắc nên đến nay vẫn chưa được cấp phép", bà Yến cho biết.

Tro xỉ được chất tải và san gạt tại bãi Đông sông Trà Lý, chụp ngày 15/8/2023.

Khi Phóng viên đề cập đến thực trạng doanh nghiệp đang thực hiện mở rộng diện tích sang gần cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và có hiện tượng dùng vật liệu tro xỉ san gạt, san lấp nền trong bãi và phần diện tích ngoài bãi Đông. Bà Yến cho biết, đơn vị không san lấp (ghi nhận thực tế hiện trạng là san lấp bằng tro xỉ, cùng máy móc thiết bị san gạt - PV ghi nhận thực tế).

"Đó là tro xỉ chất tải tạm ngoài đó để đưa lên tàu, do mấy ngày trước trời mưa, tàu thuyền khó cập bến để vận chuyển đi", bà Yến khẳng định.

Cận cảnh tro xỉ được san gạt tại bãi Đông sông Trà Lý - Ảnh hiện trường ngày 15/8/2023.

Không được cấp phép vẫn "vô tư" hoạt động 

Qua tìm hiểu, tại quyết định số 1983/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn Thái Bình, hiện không có bến bãi nào được quy hoạch, bổ sung tại diện tích bãi Đông sông Trà Lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Giang Văn Liền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã chỉ có 2 bến bãi nằm trong quy hoạch và đã được cấp phép tại bãi Tây, trước cửa Đền Bà, ngoài đê bối.

"Theo cập nhật của UBND xã, 2 bến bãi ngoài đê bối trước của Đền Bà là của các chủ hộ Vũ Đăng Kiên và Nguyễn Xuân Thịnh. Hai bến bãi này đã được cấp phép và có trong Quyết định 1983", ông Liền khẳng định.

Mặc dù không nằm trong quy hoạch hay được bổ sung ở các Quyết định, văn bản có liên quan để các cấp có thẩm quyền triển khai chấp thuận chủ trương, cấp phép hoạt động. Thế nhưng, bến trung chuyển của Công ty Phú Thịnh Thắng vẫn "vô tư" hoạt động và là đầu mối tiêu thụ tro xỉ chính cho các kho tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình trong một thời gian dài. Nhất là việc, đơn vị này đang thực hiện san gạt nền tại một phần diện tích ngoài bãi Đông sẽ mang lại nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nước của sông Trà Lý. 

Bên cạnh đó, đơn vị có nhu cầu tiêu thụ tro xỉ là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, hay các đơn vị có nhu cầu nhập tro xỉ từ đây để phục vụ sản xuất sẽ lấy căn cứ nào về bến bãi, cảng thủy nội địa để xác nhận ký kết hợp hợp đồng trung chuyển với Công ty Phú Thịnh Phát tại bãi Đông sông Trà Lý? Câu hỏi trên rất cần các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm và hơn cả là các ngành hữu quan, chính quyền địa phương nghiên cứu, trả lời.

Ô nhiễm nước

Nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn tro, xỉ nhiệt điện vẫn còn được tồn chứa, chưa được sử dụng. Do được tồn chứa lộ thiên trên đất nên nước mưa có thể hòa tan các thành phần của tro, xỉ và hòa lẫn với hệ thống nước tự nhiên xung quanh.

Tro, xỉ chủ yếu chứa các thành phần alumina, silica, can xi và sulphua (trong tro, xỉ CFB, FGD) và vết các kim loại nặng. Ô nhiễm nước mặt và nước ngầm có thể do hiện tượng chiết (hòa tan) các nguyên tố độc hại và kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi, đồng và thiếc trong tro, xỉ là có nếu không được tồn chứa đúng cách. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chì hòa tan (rửa trôi) từ tro, xỉ tồn chứa có thể gây các nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Việc tăng cường sử dụng các công nghệ đốt phát thải NOx thấp tại các nhà máy nhiệt điện than dẫn đến làm tăng nồng độ của amonium trong tro, xỉ. Lượng amonium rửa trôi từ việc tồn chứa tro, xỉ sẽ chuyển hóa thành nitrat có thể di chuyển vào trong nước ngầm và do vậy gây ô nhiễm nguồn nước.

Tro bay là vật liệu dạng bột mịn, phân bố kích thước hạt thường từ 0,5 - 300 µm. Các nguyên tố vết độc hại nói chung tập hợp trong các hạt mịn với kích thước hạt 2 µm, có thể bị hít vào cơ thể và lưu lại trong phế quản của người, do đó làm tăng nguy cơ tổn hại sức khỏe.

Đối với các bãi thải chứa khô, lượng bụi tro bay thoát ra có thể làm ô nhiếm chất lượng không khí tại vùng xung quanh. Người dân sống lân cận các nhà máy nhiệt điện, nơi có các bãi chứa tro, xỉ sẽ chịu các nguy cơ cao phơi nhiễm bụi độc hại trong không khí.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!