Trần Bình ·
3 năm trước
 1844

Thanh Hóa: Dân sống khổ sở vì mùi xú uế tại cơ sở mủ cao su huyện Ngọc Lặc, dân 'kêu' nhiều lần không được giải quyết?

Với một môi trường ô nhiễm không khí nặng nề như vậy, tôi yêu cầu chủ cơ sở chế biến mủ cao su là bà hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Thọ Phú, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc phải có trách nhiệm môi trường với địa phương. Tôi cần biết tình trạng ô nhiễm này bao giờ mới được giải quyết để bà con yên tâm sinh sống, các cháu yên tâm học hành? 

Theo phản ánh của người dân thôn Thọ Phú, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, người dân đã nhiều ngày tháng phải sống trong môi trường ô nhiễm bởi cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su không đảm bảo những yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. 

Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su được nhắc đến là cơ sở của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Thọ Phú, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc.

Theo ghi nhận tại Báo Tài nguyên Môi trường, trong khuôn viên thành phẩm cao su chất thành đống, nằm ngổn ngang. Suốt quá trình sản xuất, cơ sở thải ra hàng chục mét khối nước bẩn mỗi ngày, nước thải được thu gom vào cống thoát sau đó chảy ra khu vực phía sau.

Và chính mùi xú uế khó chịu mà hàng ngày người dân phải chịu chính là do nguồn nước thải này. Theo quan sát, nước thải từ hoạt động chế biến mủ cao su có màu xám đục, đặc quánh và sủi bọt bốc mùi hôi thối. Số nước thải này được chảy vào một khu vực được gọi là "bể lắng", nhưng "bể lắng" này hoàn toàn lộ thiên, sơ sài và bẩn thỉu. 

cơ sở chế biến mủ cao su Ngọc Lặc

Khu vực bể chứa nước thải xây dựng sơ sài lộ thiên nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm

Theo người dân phản ánh, nguồn nước thải này chính là tác nhân gây "thối cả ngày lẫn đêm", khiến người dân vô cùng hoang mang vì không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài hay không, nhưng trước mắt, điều này khiến người dân bất tiện trong sinh hoạt vì phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà. Những khi có gió thổi qua thậm chí không thể ăn cơm nổi. 

Bà L.T.B, sống ở thôn Thọ Phú, xã Ngọc Trung bức xúc: "Ngày nào cũng vậy, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ khu vực chứa nước thải, từ nhà xưởng khiến ai cũng cảm thấy nôn nao, ngột ngạt. Nhà thì có trẻ con, ngửi mùi độc hại nhiều cũng sinh ốm yếu, chỉ sợ bệnh tật vào người thì khổ"

cơ sở chế biển mủ cao su gây ô nhiễmBao bì vứt bừa bãi, nhiều loại máy móc hoạt động liên tục gây ồn ào ảnh hưởng đến người dân

Trên đây là những thông tin chính xác và đã được ghi nhận tại Báo Tài nguyên Môi trường, không hề bịa đặt. Điều đáng nói là tình trạng này diễn ra đã lâu, người dân cũng đã phản ánh nhiều lần nhưng không được giải quyết?

Được biết, đất đai trước đây xã quy hoạch vào chế biến lâm sản, nay bà Hằng không chế biến lâm sản mà chuyển sang làm chế biến mủ cao su và gây tình trạng ô nhiễm nặng nề như hiện nay. Vậy với việc sử dụng đất quy hoạch vào chế biến lâm sản mà chuyển sang chế biến mủ cao su, chủ hộ là bà Nguyễn Thị Hằng đã thực hiện những thủ tục cần thiết hay chưa? Nếu chưa, việc chể biến mũ cao su và gây ô nhiễm như hiện nay, cơ sở này sẽ phải chịu trách nhiệm môi trường như thế nào? 

Hơn nữa, mặc dù Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc đã cho biết rằng đã nắm được tình trạng ô nhiễm và sẽ giao phòng TN&MT huyện xuống kiểm tra thực tế, và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tuy nhiên người dân cho biết rằng đã xảy ra từ lâu mà không được xử lý. Vậy có hay không sự buông lòng quản lý của UBND các cấp, để xảy ra việc ô nhiễm nghiêm trọng nhưng không được kiểm tra giải quyết kịp thời gây bức xúc cho bà con?

Trong khi đó, việc cơ sở sản xuất mủ cao su gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thanh Hóa không phải lần đầu tiên, mà bên cạnh tình trạng ô nhiễm tại Ngọc Lặc, mà cả hai xã Xuân Tín, Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cũng tồn tại tình trạng tương tự. Người dân hai xã cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống và sức khỏe do hoạt động của cơ sở chế biến, thu mua và vận chuyển mủ cao su Thanh Bình, thôn 8, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân gây ra. 

Bởi vậy, đây không chỉ là câu chuyện của riêng một xã nào, một huyện nào trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mà nó xảy ra ở nhiều nơi, là tình trạng cần được quan tâm giải quyết dứt điểm. Thiết nghĩ, UBND các huyện, cùng Sở Tài nguyên Môi trường cần vào cuộc xử lý dứt điểm cơ sở chế biến mủ cao su trái phép trên để người dân yên tâm sinh sống, tránh các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về sau.