Khu trung chuyển rác trên đất quy hoạch công viên
Theo thông tin người dân phản ánh, hiện nay, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Thanh Hóa đang tiến hành xây dựng khu trung chuyển, thu gom rác thải trong khuôn viên đất được quy hoạch công viên cây xanh, bãi xe, nhà văn hóa thể thao thuộc mặt bằng 2125 - GĐ2 mà không nằm trong quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 11/6/2015, chưa thực hiện trưng cầu ý kiến hộ dân về hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thiết kế hệ thống thu gom nước rác, xử lý sơ bộ và khoảng cách an toàn môi trường của khu trung chuyển, thu gom rác thải.
Một cư dân sinh sống trong khu MB2125 và MB338 thuộc tổ dân phố Quang Trung 2, phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa phản ánh: “Tôi nhận thấy việc xây dựng khu trung chuyển, thu gom rác thải trong khuôn viên khu đất được quy hoạch công viên này là không phù hợp, làm phá vỡ cảnh quan, gây mất mỹ quan đô thị và sẽ gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường xung quanh, đồng thời ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống các hộ dân xung quanh”.
Khu vực đổ bê tông sẽ là nhà trung chuyển, tập kết rác là phần đất thuộc công viên.
Đồng quan điểm, một hộ dân khác cho biết: “Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng cấp thiết. Chúng tôi sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng có nhu cầu được hòa mình vào thiên nhiên, nhu cầu được vận động, giao lưu cộng đồng và tận hưởng không khí trong lành của công viên cây xanh. Tuy nhiên nếu đặt điểm trung chuyển ngay cổng công viên là điều đi ngược lại với sự phát triển”.
Anh H., cư dân mặt bằng 2125 cho rằng: “Khi tôi mua đất ở đây, trong hồ sơ không hề có điểm trung chuyển, thu gom rác tại đây. Nếu tôi biết như này, tôi sẽ không xuống tiền để mua đất tại đây với giá gần 20 triệu đồng/m2 thời điểm đó cả”.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa xác nhận: “Đúng là hiện tại, Công ty Cổ phần Môi trường và CTĐT Thanh Hóa đang cho xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác có diện tích khoảng 40m2 tại Công viên cạnh MB2125. UBND TP.Thanh Hóa là đơn vị chỉ định thầu, còn nhà thầu là Công ty môi trường. Đây là một trong hai vị trí thí điểm của Thành phố”.
Người trong cuộc nói gì?
Để rộng đường dư luận, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã làm việc với những bên liên quan. Theo lời Chủ tịch UBND Phường Đông Vệ, đây là điều cần thiết, ông đã xem mô hình điểm trung chuyển, nó rất đẹp, như một khu sinh thái mà mình có thể check-in được. Hệ thống nước thải được rửa sạch sẽ, không có mùi hôi thối, cây cối mọc xung quanh bao phủ nhà tập kết. Tuy nhiên việc người dân phản ánh là đúng, nhưng nếu chúng ta không chung tay với nhà nước, thì khối lượng rác thải ở TP.Thanh Hóa sẽ không giải quyết được.
Thống kê từ Công ty CP Môi trường và CTĐT Thanh Hóa cho thấy, tổng số lượng rác thải của cả thành phố từ 380 đến 400 tấn, công nhân phải chia làm hai ca sáng, tối để thu gom.
Bà Tống Thị Thọ, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Môi trường và CTĐT Thanh Hóa cho biết: “Thực hiện theo Nghị quyết của Thành ủy và của UBND TP.Thanh Hóa sẽ xây dựng thí điểm nhà trung chuyển, tập kết xe gom rác để giảm tải sức lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên mới đổ bê tông, xây dựng được chút tường người dân đã đập phá”.
Người dân đang đặt những dấu hỏi liên quan đến việc nhà trung chuyển này có đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật BVMT hay không?
Theo bà Thọ, hiện nay định mức tính công của nhà nước là 0.92/1km. Có nghĩa là công nhân lao động để được 1 công phải di chuyển hơn 2km (2 chiều). Mỗi xe đẩy rác có trọng lượng khoảng 700kg bao gồm cả rác. Tuy nhiên có nhiều phường, công nhân phải đẩy xe thu gom hơn 3km mới đến chỗ tập kết. Đặc biệt như phường Ba Đình còn không có chỗ tập kết rác, nên giám đốc công ty phải chỉ đạo đưa hết rác thu gom được ở Phường đó về công ty. Ngày trước, chúng tôi có để các xe đẩy dọc tuyến đường, tiện cho người dân mang ra đổ và xe chở rác đi qua nhưng người dân phản đối, thậm chí còn lấy gạch đá để ném. Có thể nói, cường độ lao động của công nhân môi trường ngày càng lớn, trong khi lương thì theo quy định, giao động từ 5-7 triệu đồng nên sự thiếu hụt về lao động đang là thách thức chung của các công ty môi trường. Có thể nói, đây là nghề tận cùng của xã hội, nên sự sẻ chia và thông cảm là điều mà chúng tôi mong mỏi nhất.
Trong khi đó, ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn nhấn mạnh: “Thực tế đã là đô thị thì không thể điểm tập kết rác. Để có điểm tập kết nó liên quan đến chi phí vận hành, xử lý môi trường của điểm tập kết. Ngoài ra đó là vấn đề xử lý nước rỉ rác cũng như mùi hôi thối. Nếu không làm tốt nó sẽ là điểm gây mất vệ sinh, ruồi muỗi trú ngụ. Đây là vấn đề liên quan đến quy hoạch, cụ thể là 1/500. Hiện nay cả nước chưa có tỉnh thực hiện được mô hình điểm tập kết rác ở các khu đô thị”.
Ông Tâm cho rằng, giải pháp tối ưu bây giờ là bằng thủ công, xe gom rác theo đúng giờ quy định và có xe vận chuyển theo phía sau. Mấu chốt vấn đề vẫn là ý thức của người dân. Ý thức trong việc phân loại rác, trong cách bảo quản rác, đổ rác đúng nơi quy định và giờ giấc thu gom rác.
Quy định về trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt như thế nào?
Theo quy định, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ các quy định như sau:
a) Thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Trạm trung chuyển cố định đầu tư mới tại các khu vực nội thành đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt phải sử dụng công nghệ tự động, hiện đại và phù hợp với điều kiện từng địa phương;
Khoảng cách với hộ dân lô 18No18 MB2125 là 7.5m đường cộng vỉa hè 2 bên 5x2m chưa đủ yêu cầu 20m , sai quy định luật môi trường.
c) Khuyến khích sử dụng công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình tại đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất nhưng phải có thiết kế bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường;
d) Bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương;
đ) Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Trạm trung chuyển tại các đô thị phải bố trí khu vực tiếp nhận chất thải có đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải; bảo đảm khép kín để hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng;
g) Trang bị các hệ thống, thiết bị cân; vệ sinh và phun xịt khử mùi phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển; hệ thống camera giám sát; hệ thống, phần mềm để theo dõi, cập nhật khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển;
h) Ủy ban nhân dân các cấp xác định vị trí, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển.