Mới đây, ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Thanh toán không dùng tiền mặt - Xu hướng phát triển tất yếu của thời đại
Quan điểm của Chính phủ trong đề án này đó là:
Bám sát các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.
Lấy khách hàng làm trung tâm gắn liền với việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt;
Gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tăng trưởng cao về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán là thước đo hiệu quả của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 như sau:
Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%;
Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác;
Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt:
Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm;
Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm;
Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm.
Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao của Đề án này; lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương mình.
Có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.
Theo đó, với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…
Ngày 16/6 đã được Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) chọn là Ngày không tiền mặt hàng năm.