Nguyễn Khang ·
3 năm trước
 2053

Thấy điều gì từ tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất phụ nấu cơm từ thiện cho tuyến đầu chống dịch?

Tình nguyện viên ở bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự: Bé Phùng Thị Quỳnh Như mới chỉ 10 tuổi nhưng rất sốt sắng trong việc phụ giúp mọi người để cung cấp những suất ăn miễn phí trong dịch Covid-19. Thấy dễ thương quá nên chia sẻ cho mọi người!

Tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất, nhiệt tình nhất

Bé Phùng Thị Quỳnh Như (10 tuổi) là một trong những tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất và nhiệt tình nhất ở bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự. Bé là cháu của anh Nông Văn Hào (28 tuổi), nhân viên bếp ăn này.

Từ rất sớm, bé Quỳnh Như cùng cậu ruột đến bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự (201 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM) cùng mọi người tiến hành sơ chế rau củ quả để kịp chế biến thành hơn 5.000 suất cơm gửi miễn phí đến các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu phong tỏa cách ly trên địa bàn thành phố.

Bé Phùng Thị Quỳnh Như

Bé Phùng Thị Quỳnh Như (10 tuổi) là một trong những tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất và nhiệt tình nhất ở bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự

Những suất cơm này sẽ được gửi tặng miễn phí đến các chốt phòng chống dịch Covid-19 và người dân khó khăn. Để kịp làm gần 5.000 suất cơm, mấy chục nhân viên nhà hàng và tình nguyện viên phải làm việc từ sáng sớm đến 22h.

Để chế biến hàng ngàn suất cơm cần một lượng rau củ quả phải sơ chế rất lớn. Giữa đống rau củ quả đồ sộ, ai cũng bất ngờ khi thấy một bé gái nhỏ xíu đang tỉ mẩn xắt bắp, bào từng củ cà rốt… với động tác tay thoăn thoắt như một đầu bếp lành nghề.

Bé Phùng Thị Quỳnh Như

Mỗi ngày, Quỳnh Như cắt hàng trăm cái bắp cải như thế này

So với trẻ đồng trang lứa, Như nhỏ con, ốm nhưng làm việc không thua gì người lớn. Thậm chí, nhiều người lớn cũng khó kiên trì ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ để cắt hết đống bắp cải to đùng như em. Mỗi ngày Quỳnh Như cắt cả trăm bắp cải và sơ chế nhiều loại rau củ khác như cà rốt, khoai lang, khoai tây...

Theo chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (39 tuổi, chủ nhà hàng chay Mãn Tự), từ việc cắt, rửa rau củ đến vô hộp thức ăn hay lau nhà, dọn dẹp, hầu như việc nào Quỳnh Như cũng làm được và làm rất nhiệt tình.

Hoàn cảnh nhiều bất ngờ

Khi được hỏi chuyện, cô bé 10 tuổi bẽn lẽn cho biết: "Em thấy các chú bán vé số, các cô nhặt ve chai tới quán xếp hàng nhận cơm là nhớ tới những ngày mình chịu đói. Em may mắn được các anh chị trong quán yêu thương nên có cái ăn hàng ngày, chỉ nghĩ mình phụ được gì thì làm để nhanh có cơm cho mọi người cùng ăn".

Khi được hỏi có muốn đi học không, bé Như ngập ngừng rồi nói: "Con cũng muốn biết chữ giống mấy bạn dưới quê. Hồi ở quê, chiều nào cũng nghe mấy bạn kể chuyện học ở trường, ở lớp khiến em thấy tò mò và tủi thân” - Quỳnh Như kể lại.

Bé Phùng Thị Quỳnh Như

Quỳnh Như đến chỗ làm của cậu rồi thấy công việc này thật có ý nghĩa nên tham gia rất nhiệt tình

Anh Nông Văn Hào (28 tuổi) cậu ruột của bé Như cho biết: “Dù đã 10 tuổi nhưng Quỳnh Như không biết chữ vì chưa từng được đến trường. Mấy năm trước ba mẹ của Quỳnh Như ly thân nên không ở với nhau. Quỳnh Như và 2 em nhỏ (6 tuổi và 3 tuổi) ở với bà ngoại chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình bà ngoại khó khăn chỉ đủ nuôi ăn nên không có tiền cho em đi học, thấy hoàn cảnh của bé tội quá nên tôi rước lên TP HCM để tiện chăm sóc và tìm hướng cho bé đi học”.

Anh cho biết thêm: "Vì dịch bệnh nên thu nhập của tôi cũng eo hẹp, khi nào ổn định hơn thì tôi dắt luôn 2 đứa nhỏ lên đây".

Bé Phùng Thị Quỳnh Như

Bố mẹ ly hôn rồi có gia đình khác nên Quỳnh Như ở cùng ngoại và cậu

Lên TPHCM hơn một tháng nay, Quỳnh Như ở trọ cùng cậu trên đường Tôn Thất Đạm (Quận 1). Khi đi làm, anh Nông Văn Hào không muốn để Như ở phòng trọ một mình nên dẫn đi theo để dễ trông coi.

Bất ngờ là khi đến đây, Quỳnh Như thấy việc được giúp mọi người thật vui nên cũng tham gia. Cô bé tập tành học cách lặt rau rồi dần sơ chế đủ loại rau củ quả, trở thành "tình nguyện viên" nhiệt tình như hiện nay.

“Giờ tình hình dịch bệnh như thế này nên không muốn đưa bé đi đâu, trước mắt tôi muốn cho bé tiếp xúc với môi trường hiện tại ở bếp ăn, riêng về phần học sẽ dạy bé sau. Khi nào tình hình dịch bệnh ổn định tôi sẽ nhờ người quen biết trường bổ túc hay trường giúp đỡ những trẻ em nghèo khó để cho bé đi học”, anh Hào tâm sự.

"Anh Hào rảnh rỗi là lấy tập vở ra dạy bé Như tập đọc, tập viết. Ở bếp ăn này, ai cũng thương khi biết hoàn cảnh của bé" - chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ nhà hàng chay chia sẻ thêm.

Nguồn: