Song Vũ ·
1 năm trước
 5385

“Thay đổi” để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26

Để đạt được những cam kết đưa mức phát thải ròng bằng '0' (Net Zero) vào năm 2050, thì Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện...

Để đạt được những cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050, thì Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Ảnh minh hoạ.

Cần thay đổi tư duy về công trình xanh và vật liệu xanh

Theo ông Nguyễn Đình Thanh - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, hiện chúng ta đang ngộ nhận một số vấn đề về công trình xanh và cần phải thay đổi tư duy này. Hiện nhiều người cho rằng, xây dựng công trình xanh cần phải công ty lớn (những dự án lớn, phức tạp và có vốn đầu tư lớn) mới có thể đạt chứng nhận công trình xanh. Không chỉ có người dân nhầm tưởng, mà các nhà phát triển thương mại cũng có tâm lý ngại đầu tư vào các công trình xanh vì họ cho rằng, các công trình loại này cần có chi phí đầu tư lớn, cao hơn từ 2 - 5% giá trị thông thường.

Phủ nhận quan điểm này, ông Thanh cho rằng, trên thực tế nếu áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng, thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Đặc biệt trong quá trình vận hành, tất cả các giải pháp xanh đều có hiệu quả, giảm thiểu chi phí, giúp hoàn vốn đầu tư rất nhanh. Bên cạnh đó, để thực hiện các giải pháp đáp ứng các công trình xanh thì phải bắt buộc sử dụng các vật liệu xanh như cửa, gạch, thiết bị vệ sinh... hay việc sử dụng nhiều cây xanh, tiết kiệm nước, bổ sung năng lượng tái tạo bằng hệ thống chiếu sáng, sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời...

Tất cả các giải pháp xanh đều giúp giảm thiểu chi phí. Bên cạnh đó, theo ông Thanh, yêu cầu của kiến trúc tương lai hướng tới phát triển bền vững, có tư tưởng và quan điểm mới, được đánh giá qua các thông số, chỉ số công trình trong thiết kế, xây dựng và vận hành, nhằm giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Thiết kế kiến trúc xanh chắc chắn là xu hướng bắt buộc của tương lai, là sự tích hợp của nhiều ngành, lĩnh vực: thẩm mỹ, kết cấu, vật liệu, vật lý kiến trúc, công năng, việc giảm thiểu tác động môi trường, tính bản địa và công nghệ thông tin… Đặc biệt, vai trò của kiến trúc sư phải là cầu nối giữa các chủ đầu tư, nhà sản xuất vật liệu để chúng ta có thể đạt được những công trình như mong muốn.

Cần chuẩn hóa hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam rất nhanh so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng và sử dụng công trình của Việt Nam đang tăng mạnh dưới áp lực của tốc độ đô thị hóa.

Dưới góc độ của nhà thầu xây dựng, ông mong muốn các Bộ, ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN... cần nghiên cứu, xây dựng một hệ thống định mức, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc cho công trình xanh, tạo điều kiện cơ sở để phát triển phổ biến loại công trình này. Trong đó, cần rõ ràng các tiêu chí, tiêu chuẩn về vật liệu xanh để xây dựng công trình xanh.

Bên cạnh đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng sản phẩm, VLXD để đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xanh cũng đang thiếu, chưa kể việc xây dựng định mức, đơn giá, suất đầu tư để đưa những vật liệu này vào công trình công còn hạn chế. Các tiêu chuẩn, định mức và tiêu chí bắt buộc, hay vật liệu nào được công nhận dán mác là vật liệu xanh. Nếu đưa ra tiêu chí công trình xanh thì đây sẽ là thước đo, động lực để các nhà đầu tư, các đơn vị thi công áp dụng.

“Mặc dù chúng ta đã có nhiều chương trình phát triển vật liệu xanh, công trình xanh nhưng hiện tại, chưa có một chủ trương nào khuyến khích từ phía Nhà nước một cách tổng thể. Những loại vật liệu gì phục vụ cho công trình xanh? Chúng tôi đưa ra sơ bộ những loại vật liệu phục vụ cho công trình xanh như: vật liệu mái, vật liệu xây, vật liệu ốp lát, vật liệu bao che, vật liệu chịu lực… Nếu tập trung vào những loại vật liệu đó thì có thể sẽ đưa ra được hệ thống vật liệu với những tiêu chí kỹ thuật. Mong rằng, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ ban hành những tiêu chí để chuẩn hóa các loại vật liệu bắt buộc sử dụng trong các công trình xanh và khi công trình xanh được ra mắt thì chắc chắn giá trị sử dụng của nó sẽ được nâng tầm và người tiêu dùng sẽ cảm thấy có ý nghĩa”, ông Hiệp bày tỏ.

Ngoài ra, vai trò của truyền thông cũng rất quan trong trong việc tuyên truyền và phổ biến rộng rãi thông tin và kiến thức về VLXD xanh, công trình xanh để cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng hiểu đúng và đầy đủ về VLXD xanh, công trình xanh.

Kỳ vọng vào các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng

Hiện nay trên thị trường có nhiều doanh nghiệp đã tập trung nghiên cứu, sản xuất VLXD cho những công trình xanh. Công ty CP Eurowindow là một trong những doanh nghiệp đi đầu, ngoài ứng dụng các vật liệu có thể tái chế, vật liệu xanh tiết kiệm năng lượng còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm tối ưu hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, tăng tính tiện nghi cho các công trình. Đơn vị này đã và đang lựa chọn hợp tác với các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các đối tác uy tín hàng đầu thế giới như: Kommerling, Giesse, Cmech… cam kết đồng hành cùng chung tay trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow chia sẻ: Với định hướng phát triển bền vững gắn với lợi ích của doanh nghiệp cũng như lợi ích chung của xã hội để góp phần bảo vệ môi trường, Eurowindow đang tích cực đồng hành cùng các kiến trúc sư, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, nhà thầu đẩy mạnh công nghiệp ứng dụng các giải pháp vật liệu bền vững, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, có thể tái chế, tiết kiệm tài nguyên, góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, giảm phát thải nhà kính. Eurowindow từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào công trình, cũng như xây dựng những quy trình sản xuất thông minh để tối ưu năng suất và tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải ròng trong quá trình sản xuất đó là những bước đi đúng đắn. Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, thực thi các chính sách và thực hiện các cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng hiệu quả. Trên tinh thần doanh nghiệp hưởng ứng các chính sách của Chính phủ và thực hiện các mục tiêu đề ra tại Hội nghị COP 26.

Công ty TNHH Kin Long Việt Nam - đơn vị chuyên nghiên cứu, chế tạo, phân phối các sản phẩm ngũ kim chất lượng cao đã giới thiệu các giải pháp phụ kiện đồng bộ, nổi bật trong số hơn 600 bằng sáng chế đã được cấp. Ngoài các giải pháp về khóa thông minh, hệ mặt dựng bên ngoài các tòa nhà, Kin Long còn có các giải pháp khác cho nhà ở trong thiết kế công trình xanh như: rèm cửa tự động, hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống camera giám sát…

Hay như Saint Gobain tại Việt Nam - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp kính tiết kiệm năng lượng trong xây dựng - cho biết, đã tích hợp vật liệu tái chế vào các sản phẩm và giải pháp, điều chỉnh quy trình sản xuất, thực hiện giảm khí thải carbon theo các bước tại nhà máy. Trong đó tăng cường sử dụng nguyên liệu thủy tinh vụn tái chế, tạo mạng lưới thu gom và giảm chất thải không tái chế... Và mục tiêu của Saint Gobain trong chu kỳ phát triển bền vững đặt ra vào năm 2030, doanh nghiệp sử dụng 100% vật liệu tái chế trong đóng gói, sử dụng hơn 30% vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học trên bao bì, giảm 80% chất thải không thu hồi.

Phát triển vật liệu xanh, công trình xanh là một xu hướng tất yếu, mang lại những giá trị về môi trường, kinh tế - xã hội, đặc biệt là sức khỏe của người sử dụng. Và, để đạt được những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26 là vào năm 2050 đưa mức phát thải ròng bằng "0", thì Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.