Hà Lan ·
3 năm trước
 538

Thế giới cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, với nhiều cam kết mạnh mẽ kèm theo các biện pháp cụ thể và công cụ đa dạng nhằm chung tay phối hợp bảo vệ hành tinh xanh.

Thế giới đã cạn dần thời gian?

Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mang tên “Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020” vừa được công bố, năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

“2020 là một năm thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa” - báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nêu rõ.

Trước tình hình đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn và nhanh hơn, ngay từ bây giờ”.

Những cam kết  ấn tượng đã được đưa ra

Nhằm thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu diễn ra vào ngày ngày 22 và 23/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đến năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005. Con số này tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Khác với thái độ trước đây về biến đổi khí hậu, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ chấm dứt nạn phá rừng ở nước này vào năm 2030 và đạt mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050. Ông Jair Bolsonaro trước đó đã chỉ trích các hành động bảo vệ rừng ở Brazil và đe dọa rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Phía Brazil gần đây đã đề nghị chính quyền Biden cung cấp 1 tỉ USD để chi trả cho các nỗ lực bảo tồn rừng Amazon.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu với sự tham gia của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới tại Nhà Trắng hôm 22/4. (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này cam kết cắt giảm 46% phát thải vào năm 2030 so với mức năm 2013. Nhật Bản, quốc gia phát thải lớn thứ 5 thế giới, trước đó bị chỉ trích vì cam kết giảm 26% phát thải.

"Nhật Bản sẵn sàng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với quá trình khử carbon trên toàn cầu", Thủ tướng Suga khẳng định tại hội nghị. Giống như Mỹ, Nhật Bản đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết rằng nước này sẽ cắt giảm lượng khí thải từ 40 - 45% vào năm 2030 so với mức năm 2005, một mức tăng đáng kể so với cam kết 30% trước đó. "Chúng tôi sẽ liên tục củng cố kế hoạch của mình và triển khai nhiều hành động hơn nữa trong hành trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Trudeau nhấn mạnh.

Không đưa ra mục tiêu mới nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái khẳng định cam kết sẽ lắp đặt 450 gigawatt năng lượng tái tạo vào năm 2030. Thủ tướng Modi đã đề cập đến chương trình Đối tác nghị sự năng lượng sạch và khí hậu giữa Ấn Độ và Mỹ. Hiện Ấn Độ là quốc gia phát thải lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cam kết "giảm đáng kể" lượng phát thải của nước này trong 3 thập kỷ tới; đồng thời khẳng định Nga có đóng góp lớn trong việc hấp thụ carbon dioxide toàn cầu. Tổng thống Putin cũng cho biết Nga đã giảm gần một nửa lượng khí thải so với năm 1990 và kêu gọi toàn cầu giảm lượng khí mêtan - loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 84 lần so với carbon dioxide và là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

"Số phận toàn bộ hành tinh của chúng ta, triển vọng phát triển của mỗi quốc gia, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào sự thành công của những nỗ lực này", ông Putin lưu ý.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định các cam kết giảm phát thải ở mức cao trước năm 2030 và đạt carbon trung tính vào năm 2060. Dù bất đồng về nhiều vấn đề như thương mại và nhân quyền, nhưng Mỹ và Trung Quốc mới đây đã đồng ý hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết, nước này sẽ ngừng các viện trợ công cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài và lên kế hoạch đưa ra cam kết giảm phát thải mạnh mẽ hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cam kết của Việt Nam là đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm đến 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Việt Nam cũng sẽ tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030, đạt 30% đến 2045 và đưa mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%...

Đề xuất “xanh hóa”

Cùng với những cam kết mạnh mẽ, tại hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế cũng đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể, với các công cụ đa dạng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết châu Âu sẽ áp dụng mua bán hạn ngạch khí thải do các tòa nhà và phương tiện giao thông gây ra, qua đó tạo tiền đề cho kế hoạch cải cách thị trường mua bán khí thải carbon. Thị trường mua bán khí thải carbon của EU là nơi mua bán quyền phát thải khí đầu tiên trên thế giới, được xem là "xương sống" của kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.Việc mua bán khí thải này đã được áp dụng trong lĩnh vực tạo năng lượng và ngành công nghiệp, giờ đây EU sẽ mở rộng sang các lĩnh vực mới nhằm "xanh hóa" mọi lĩnh vực kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng thế giới cần tính tới yếu tố môi trường trong các chi phí dự trù của các dự án đầu tư và thương mại. Theo ông: "Hành động vì khí hậu có nghĩa là kiểm soát và quản lý ở cấp độ quốc tế. Nếu chúng ta không áp giá carbon, sẽ không có quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh".

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrescũng đề nghị các nước định giá carbon, chấm dứt trợ cấp cho ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh, tới năm 2030 loại bỏ than đá ở những nước giàu nhất và mọi nơi khác vào năm 2040, đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng cho những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Khẳng định đây yếu tố cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã hối thúc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) áp dụng mức giá sàn quốc tế đối với khí thải CO2. Hiện nay, dù đã có hơn 60 chiến lược định giá carbon được thực hiện, nhưng mức giá carbon toàn cầu trung bình, hiện chỉ 2 USD/tấn, cần phải tăng lên 75 USD/tấn vào năm 2030 nhằm giảm lượng khí phát thải phù hợp với các mục tiêu. IMF đề xuất áp đặt giá sàn carbon quốc tế ở các nước phát thải nhiều khí như các nước thuộc G20.

Công nghệ xanh, năng lượng sạch cũng là những vấn đề được coi trọng. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đề cập đến việc giảm khí thải bằng cách nâng cấp công nghệ và chuyển đổi các ngành công nghiệp trở nên thân thiện với môi trường. Australia đang tăng cường thúc đẩy phát triển các ngành năng lượng sạch, đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất khí hydro sạch rẻ nhất trên thế giới, bên cạnh vị trí hiện có là quốc gia đứng đầu toàn cầu trong việc sở hữu nhiều nhất số lượng hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Nước này đang đầu tư khoảng 20 tỉ AUD (tương đương 15,6 tỉ USD) để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng, nhằm giảm giá thành khí hydro sạch, thép xanh, lưu trữ năng lượng và thu giữ carbon trong thương mại thế giới.

Các lãnh đạo châu Âu cũng kêu gọi tăng cường áp dụng đổi mới tài chính và các công nghệ xanh khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nước coi sự phục hồi kinh tế là một cơ hội để đầu tư vào năng lượng sạch và tái định hình các nền kinh tế. Thực tế là bên cạnh việc tạo ra những nguy cơ lớn đối với phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu cũng đang mang lại cơ hội đáng kể cho các khoản đầu tư chuyển đổi thân thiện với môi trường và việc làm xanh. Vấn đề ở đâyl là tận dụng được cơ hội để vừa giải quyết thành công cuộc khủng hoảng khí hậu vừa tạo ra những việc làm có chất lượng cho các thế hệ tương lai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ngày 22/4. (Ảnh: BNG)

Trong phát biểu tại hội nghị, đề cập đến chủ đề “Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ quan điểm của nhiều nước về các lợi ích của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải bằng không, đặc biệt là về cơ hội tạo việc làm, bảo đảm an ninh năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh cam kết của Việt Nam là đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm đến 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương; tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến 2025, giúp hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030.

Với những cam kết và đề xuất đưa ra tại hội nghị, có thể thấy các nhà lãnh đạo thế giới đã gạt sang một bên những bất đồng trong nhiều vấn đề để có thể thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với một trong những thách thức chung lớn nhất hiện nay. Hơn 40 nhà lãnh đạo từ 6 châu lục, đại diện cho 80% nền kinh tế thế giới, đã nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa chi phí và trách nhiệm trong chống biến đổi khí hậu, cũng như đề cao vai trò của việc hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển – những “nạn nhân” hiện hữu của biến đổi khí hậu. Nói một cách khác, rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra mang tính hệ thống và chỉ có thể được kiểm soát thông qua sự phối hợp của toàn cầu.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định hội nghị thượng đỉnh khí hậu này là thời khắc quyết định để "thúc đẩy hay bỏ lỡ" các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Những cam kết được lãnh đạo các nước đưa ra đã phát đi thông điệp tích cực, trở thành “cú hích” cho những hành động toàn cầu mạnh mẽ và quyết liệt hơn để vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Nguồn