Mỹ Nga ·
3 năm trước
 4043

Thêm 1 cổ đông lớn của PVI muốn thoái vốn?

Funderburk Lighthouse Limited là cổ đông lớn thứ 3 sau 2 cổ đông lớn khác là HDI Global SE và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tuy nhiên mới đây, Funderburk Lighthouse Limited đã đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu PVI để cơ cấu lại đầu tư, giao dịch dự kiến được thực hiện từ 21/6 đến 16/7 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Một sự thoái vốn bất ngờ hay "lướt" kiếm lãi?

Theo đó, Funderburk Lighthouse Limited đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian từ ngày 21/6 đến ngày 16/7. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, với mục đích cơ cấu lại đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PVI (Công ty CP PVI – HNX: PVI) chốt phiên 18/6 ở mức 43.000 đồng/cp, tương ứng tăng 33,6% so với số cuối năm 2020 với đà tăng chủ yếu từ đầu tháng 6.

Funderburk Lighthouse Limited hiện đang nắm giữ hơn 27 triệu cổ phiếu PVI trước khi thực hiện giao dịch (tương đương tỷ lệ sở hữu là 12,13%), và dự kiến giảm xuống còn hơn 25 triệu đơn vị nếu giao dịch thành công.

Tính theo thị giá của PVI hiện tại, nhà đầu tư ngoại này có thể thu về 85 tỷ đồng từ giao dịch này.

Trước đó, HDI Global SE đã đăng ký bán hơn 13,8 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian từ ngày 10/6 đến 9/7, với phương thức giao dịch và mục đích tương tự như Funderburk Lighthouse Limited.

HDI Global SE sẽ hạ số phiểu PVI nắm giữ xuống còn 85,3 triệu đơn vị nếu giao dịch thành công.

cổ đông lớn thứ 3 thoái vốn khỏi pvi

Theo Vneconony, việc bán cổ phiếu PVI của HDI Global SE là nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu theo yêu cầu của Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HDI Global SE.

Hiện, số lượng cổ phiếu mà HDI Global SE (Đức) đang nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch là 99.179.321 cổ phiếu, chiếm 44,37%. Sau giao dịch, dự kiến tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ của HDI Global SE tại PVI là 38,8%.

Tính đến ngày 31/12/2020, ngoài HDI Global và Funderburk Lighthouse Ltd, cổ đông lớn khác của PVI là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với tỷ lệ sở hữu 35%.

Theo Vietnamfinance, doanh thu thuần của PVI trong quý I/2021 đạt hơn 1.232 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2020. Trừ đi giá vốn và các loại chi phí, PVI báo lãi sau thuế quý I hơn 190 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020 bất chấp doanh thu giảm nhẹ.

Liệu có uẩn khúc gì phía sau không khi lần lượt 2 cổ đông lớn lần lượt thoái vốn khỏi PVI? Hay chỉ đơn giản là tổ chức này chỉ muốn "lướt" nhằm thu về 85 tỷ đồng lợi nhuận khi nhóm cổ phiếu 'P' đang vô cùng 'hot' trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây? 

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (HNX: PVI) được thành lập năm 1996, phát triển từ một công ty bảo hiểm nội bộ thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) trở thành nhà bảo hiểm công nghiệp số một Việt Nam. 

Đến năm 2006, PVI là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện cổ phần hóa trở thành Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007 với mã chứng khoán PVI.

Hiện PVI dẫn đầu trong các lĩnh vực trọng yếu của thị trường bảo hiểm như Năng lượng (chiếm thị phần tuyệt đối), Hàng hải, Tài sản – Kỹ thuật... 

 

Theo thông tin từ Vneconimy/Vietnamfinance