Lan Hương ·
2 năm trước
 4099

Thêm 9 cửa hàng bán hàng hết hạn và không niêm yết giá bị xử phạt, Bách Hóa Xanh vẫn chưa thực sự thay đổi?

Tưởng rằng sau nhiều sai lầm, Bách Hóa Xanh sẽ chấn chỉnh lại cách làm việc và đào tạo nhân viên để phục vụ chuyên nghiệp hơn, thì tại 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh Bình Phước lại tiếp tục kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá. Bách Hóa Xanh vẫn chưa thực sự thay đổi?

Mới đây, Sở Công thương tỉnh Bình Phước cho biết đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Phước đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh với các hành vi kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá. 

Từ tháng 7 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, phát hiện, xử phạt 6 điểm kinh doanh vi phạm với các hành vi không niêm yết giá, bán giá cao hơn giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng. 

Bách Hóa Xanh

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước kiểm tra các cửa hàng, siêu thị trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16

Tuy nhiên, không chỉ 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Bình Phước bị xử phạt, mà tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống Bách Hóa Xanh cũng "dính" sai phạm tương tự.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ra quyết định xử phạt công ty và người đại diện Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh 4 triệu đồng cho hành vi “không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” và 1,6 triệu đồng về hành vi “kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa” với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 700.000 đồng.

Ngoài ra, Bách Hóa Xanh tại TP. Vũng Tàu cũng bị tịch thu 40 sản phẩm thực phẩm các loại hết hạn sử dụng.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện, lập biên bản đối với hai cửa hàng của Bách Hóa Xanh ở Vũng Tàu vì bán hàng nhưng không niêm yết giá và một cửa hàng bán hàng quá hạn sử dụng. 

Tổ chức bị phạt là Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh (TP.HCM), với lĩnh vực hoạt động là bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh. Người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Nông Văn Dũng - tổng giám đốc.

Cùng với đó, các cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP. Vũng Tàu cũng buộc phải gỡ hoặc che dán đi biển báo "cấm chụp hình" trên cửa kính. Theo đó, việc Bách hóa Xanh tự ý dán biển “cấm chụp hình” là sai thẩm quyền vì theo quy định của pháp luật, các cửa hàng buôn bán thực phẩm không phải là địa điểm, khu vực được phép cấm chụp hình.

Vậy câu hỏi đặt ra là nếu không có vấn đề khuất tất, sai trái, vì sao Bách Hóa Xanh lại cấm chụp ảnh, quay video tại cửa hàng trong khi đây không phải việc làm trái với quy định?

Bách Hóa Xanh

Việc Bách Hóa Xanh bán hàng không niêm yết giá không còn mới nữa, nó đã là một "lỗi" đã từng xảy ra và gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong thời gian qua. Gần đây, nhiều người dân đã vô cùng bức xúc và phản ánh nhiều tiêu cực về chuối cửa hàng Bách Hóa Xanh TP HCM liên quan đến chuyện bán hàng thiết yếu với giá quá cao trong hoàn cảnh dịch bệnh, giá tiền trên hóa đơn cao hơn giá trên kệ, thái độ nhân viên không phù hợp khi trao đổi với khách hàng,... và quan trọng là tuyệt nhiên không thấy một lời xin lỗi. 

Trong hoàn cảnh TP này đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính Phủ, các chợ dân sinh truyền thống phải đóng cửa và chỉ một số ít siêu thị được phép mở cửa buôn bán trong thời điểm này, thì việc bán những sản phẩm thiết yếu với giá quá cao (như chuyện củ gừng 21.000 đồng, bó rau dăm 14.000 đồng) bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt. 

Sau hàng loạt lùm xùm kể trên dẫn đến đỉnh điểm là việc nhiều người "tẩy chay" Bách Hóa Xanh, thì đến ngày 22/7, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc hệ thống BHXh đã thừa nhận với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương việc sai sót trong quá trình vận hành chuỗi cửa hàng.

Ông Doanh cũng cam kết hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng và sẽ sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định và cố gắng ở mức cao nhất để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Đó là một tín hiệu đáng mừng về việc Bách Hóa Xanh đã đối diện với sai lầm và sửa chữa nó.

Tuy nhiên, tưởng rằng sau đó Bách Hóa Xanh sẽ chấn chỉnh lại cách làm việc, vận hành và đào tạo nhân viên để phục vụ người dân một cách chuyên nghiệp hơn, thì tại 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh Bình Phước lại tiếp tục kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá; hay việc Bách Hóa Xanh tại TP. Vũng Tàu cũng bị tịch thu 40 sản phẩm thực phẩm các loại hết hạn sử dụng khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi: "Bách Hóa Xanh có thực sự nhận ra sai lầm và quyết liệt sửa chữa nó?" hay vẫn "ngựa quen đường cũ", nói lời gió bay?