Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Công ty chứng khoán VNDirect, 4 ngân hàng gồm VPBank, HDBank, MB và Vietcombank vừa được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đây cũng là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, sau đợt điều chỉnh này sẽ có thêm khoảng 83.500 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, theo VNDirect, đợt điều chỉnh này chỉ là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống 14% của năm nay vẫn được duy trì.
Thêm bốn ngân hàng được nới room tín dụng.
Theo nhóm phân tích, VPBank (chỉ tính riêng ngân hàng mẹ) có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng là 27,2%, cao hơn dự báo trước đây của VNDirect là 23% và cao hơn năm ngoái (20,2%). Trong đó, nhà băng này được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu năm là 15%, tăng thêm 0,7% trong đợt đầu điều chỉnh và được cấp thêm 11,5% trong đợt thay đổi lần hai.
HDBank và MB dự báo ghi nhận tăng trưởng tín dụng lần lượt là 23,5% và 23,2%, với lần nới hạn mức gần nhất thêm 5,1% và 5%. Trong khi đó, Vietcombank có mức nới hạn mức tăng trưởng thấp nhất trong bốn nhà băng, ở 0,9%.
Như vậy, VPBank có hạn mức điều chỉnh mới gần 45.000 tỷ đồng, MB là 20.000 tỷ đồng, HDBank gần 11.000 tỷ đồng và Vietcombank khoảng 9.000 tỷ đồng.
Trước đó, thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng. Trong đó gồm 4 nhà băng có vốn nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và 11 ngân hàng tư nhân có Sacombank, HDBank, MB, OCB, VIB, TPBank, Techcombank, VPBank, MSB...
Mức bổ sung được cho là khá hạn chế, dao động từ gần 1-4% so với trần tín dụng cũ. Theo đó, dư địa cho vay mới của các nhà băng được cấp thêm dao động vài nghìn tỷ đồng đến tối đa 50.000 tỷ đồng (tùy từng nhà băng) trong 4 tháng còn lại của năm.
Theo công ty chứng khoán trên, đợt điều chỉnh lần này chỉ là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống 14% của năm nay vẫn được duy trì.
Tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước hôm 23/9 vừa rồi, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt ra con số mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm nay nhưng có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho biết: "Doanh nghiệp nào cũng mong muốn điều này để đáp ứng giá nguyên vật liệu tăng cao. Với kế hoạch những tháng cuối năm, đặc biệt là kế hoạch sản xuất hàng Tết nên nhu cầu vốn cao hơn. Chúng tôi mong muốn ngân hàng nới room tín dụng để chúng tôi có lượng vốn tốt hơn". Theo nhận định Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ Tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định: "Việc nới room nên tập trung vào các doanh nghiệp có quá trình phục hồi tốt trong 8 tháng qua, tạo ra nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều lao động… để họ duy trì sản xuất, tăng tích trữ nguyên, vật liệu và tăng tồn kho do thị trường chậm, tạo việc làm cho người lao động ổn định". |