Thanh Loan ·
2 năm trước
 3429

Thị trường smartphone Việt Nam như thế nào sau khi Vin rút lui?

Theo thống kê của Counterpoint Research, sau khi Vsmart rút lui khỏi thị trường, thị phần điện thoại Trung Quốc tại Việt Nam trở lại mức 50%. Hai thương hiệu nổi bật còn lại chiếm khoảng 44%.

Trong gần 3 năm qua Vinsmart đã làm được rất nhiều với thương hiệu di động Vsmart với 19 mẫu điện thoại được bán ra thị trường và khoảng 3 triệu sản phẩm đã đến tay người dùng. Điện thoại Vsmart đã chiếm lĩnh top 3 thị phần smartphone Việt Nam, đạt thị phần 16,7% vào tháng 4/2020, đứng vị trí thứ 3 sau Samsung và Oppo.

Tuy nhiên, việc Tập đoàn Vingroup vừa đột ngột công bố VinSmart dừng nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động khiến nhiều người bất ngờ và nuối tiếc bởi hiếm có hãng sản xuất smartphone thương hiệu Việt lại có thể chiếm được hơn 10% thị phần từ những ông lớn như thế chỉ sau gần 3 năm hoạt động.

Thống kê trong quý II, 3 trong 5 thương hiệu smartphone có thị phần lớn nhất tại Việt Nam là các thương hiệu Trung Quốc, gồm: Xiaomi, Oppo và Vivo. Các thương hiệu này chiếm ít nhất 45% thị phần. Hai thương hiệu nổi bật còn lại - Samsung (Hàn Quốc) và Apple (Mỹ) - chiếm khoảng 44%.

Counterpoint cho biết, các thương hiệu điện thoại Trung Quốc chiếm khoảng 50% tại thị trường Việt Nam. Đây là số liệu về lượng điện thoại được đưa vào thị trường, chưa phải số sản phẩm đến tay người dùng cuối.

Các mẫu máy phổ biến nhất đều thuộc phân khúc phổ thông, như Galaxy M31, Galaxy A12 và Galaxy A02s của Samsung; Redmi 9 và Redmi Note 10 của Xiaomi; dòng A-series của Oppo và dòng Y-series của Vivo.

Các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tương tự. Chẳng hạn, tại FPT Shop, 6 trên 10 smartphone bán chạy nhất quý II là các mẫu máy đến từ Trung Quốc, nổi bật là Oppo A15, Oppo Reno5, Vivo Y20.

smartphone

Ảnh: Nhịp sống doanh nghiệp

Báo cáo của Counterpoint Research cũng cho thấy doanh số smartphone tại Việt Nam trong quý II tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty nghiên cứu thị trường này không chia sẻ con số cụ thể, chỉ cho biết đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng trên là các sản phẩm thuộc phân khúc phổ thông. Những sản phẩm này đã đáp ứng nhu cầu smartphone tăng nhanh của người dùng Việt Nam, trong đó có những người chuyển từ điện thoại cơ bản sang điện thoại thông minh.

Các hệ thống bán lẻ và chuyên gia công nghệ chung nhận định điện thoại thương hiệu Việt rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện điện thoại xuất xứ Trung Quốc chiếm đến 50% thị phần Việt Nam với rất nhiều thương hiệu như Oppo, Xiaomi, Vivo, Huawei, Meizu, Lenovo..., mức giá từ trên dưới 1 triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu khách hàng đa dạng.

Với điện thoại xuất xứ Hàn Quốc, Thế Giới Di Động thừa nhận chỉ riêng Samsung đã đóng góp khoảng 38% - 39% tổng doanh thu của hệ thống này. Ngoài ra, doanh thu đến từ Apple của Thế Giới Di Động đạt 23% - 26% tùy thời điểm.

Trong khi đó, số phận của điện thoại thương hiệu Việt lại rất lận đận. Mobiistar từng có thời điểm vào top 5 thương hiệu smartphone trên thị trường Việt Nam với thị phần gần 10%. Năm 2018, nhãn hiệu này còn tấn công thị trường Ấn Độ nhưng đến 2019 đã lặng lẽ rút khỏi thị trường.

Asanzo, Q-Mobile... cũng có số phận tương tự dù thời điểm ra mắt cũng tạo được sự hào hứng và tò mò nhất định cho người dùng. Hiện chỉ còn 2 thương hiệu điện thoại của ông chủ Việt là Masstel, Mobell đang tập trung vào các mẫu máy phím bấm với mức giá chỉ vài trăm ngàn, song không sản xuất, lắp ráp trong nước mà đặt hàng hoàn chỉnh từ Trung Quốc rồi đưa về tiêu thụ.

Theo thông tin từ Vnexpress/Người lao động