Thanh Ngân ·
2 năm trước
 8582

Thị trường sợi chuối sôi động và những tiềm năng chưa thấy

Sợi chuối sau khi làm sạch có thể tết lại, bện thừng và làm thành những sản phẩm hữu dụng, được trao đổi trong nước và cũng là những mặt hàng được ưa thích ở thị trường nước ngoài. Có thể thẩy thị trường sợi chuối nhiều màu sắc và có những tiềm năng chưa nhìn ra hết được.

Trước đây, người dân thường lấy thân chuối làm thức ăn cho chăn nuôi, nhưng giờ thì không còn phổ biến. Cũng bởi thế mà những đống thân chuối chặt bỏ ngoài bãi trở thành rác thải nông nghiệp khó xử lý, bao lâu nay nhọc lòng người trồng chuối.

Nhưng nay thân chuối được tận dụng triệt để thành nguyên liệu thô đưa vào chế biến cho sợi chuối mang lại nhiều giá trị kinh tế. Điển hình, mô hình sản xuất sợi từ thân chuối đã thành niềm tự hào của người dân thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 

sợi chuối

Công nhân bóc tách bẹ chuối trước khi đưa vào máy chẻ, ép thành sợi

Mới đây, Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã đi vào hoạt động. Điều đặc biệt, đây là HTX đầu tiên ở Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến thân cây chuối thành sợi để phục vụ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm giấy... Có tận mắt chứng kiến các công đoạn chế biến từ thân chuối ra sợi thô mới thấy sự kì công cũng như tiềm năng kinh tế của mặt hàng này.

Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch sẽ được bện tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu. Từ những sợi thừng đó đan thành túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm với nhiều kiểu dáng độc đáo. Những đôi dép bện từ tơ chuối được khách quốc tế ưa chuộng vì độ êm mềm và thoáng mát. Những mảnh sợi vụn cũng vẫn được tận dụng ép thành giấy, làm đèn lồng, thậm chí là giấy vẽ tranh rất ấn tượng.

sợi chuối

Sản phẩm làm từ sợi chuối

Anh Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã là người nặng lòng với cây chuối quê nhà. Anh bảo, cây chuối bao đời nay thân thuộc với người Việt Nam, nhưng những tiềm năng từ chuối thì chúng ta chưa thể thấy hết được.

Trên thế giới, thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm nay và giao dịch ngày càng sôi động. Trong đó những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới như: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu về hàng tỷ USD. 

Hiện nay, giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg. Với sản lượng sợi chuối như trên, ai cũng có thể tính được tiềm năng kinh tế từ thị trường sợi chuối lên tới 700 triệu USD.

Sợi chuối đang nhanh chóng có mặt ngày một phổ biến trong các hoạt động sống của con người. Không những dẻo dai, thấm hút tốt, chống cháy, sợi chuối còn kháng nấm mốc, thoáng khí, rất nhẹ, cách âm, cách điện.

Với những đặc tính ưu việt đó, bất cứ thứ gì làm từ sợi bông, sợi gai, sợi len, tre hay gỗ, cũng đều đang được thử nghiệm làm từ sợi chuối. Sợi chuối hiện đã có mặt trong hàng vạn sản phẩm, vật phẩm tiêu dùng như tiền giấy, giấy in, giấy gói, giấy túi lọc, chỉ may, vải, lốp xe hơi, ván ép cao cấp dùng trong du thuyền…

sợi chuối

Những sản phẩm từ sợi chuối

Nhìn ra thế giới, từ thời xa xưa, ở Nhật và Nepan, sợi chuối đã được sử dụng phổ biến để làm miếng lót bàn, thảm trải sàn và mái che. Người Nhật từ thế kỷ XIII đã biết trồng chuối lấy sợi để dệt vải may quần áo và làm đồ gia dụng. Đến thế kỉ XIX, sợi chuối (sợi abaca) đã được sử dụng làm dây thừng trên các con tàu biển. Ngày nay, ít ai biết rằng để sản xuất được chiếc ôtô Mercedes Benz người ra cũng cần đến loại sợi này.
Ở Nhật Bản, có khoảng 30% số tiền giấy đang lưu hành làm từ sợi chuối. Tờ tiền làm từ loại vật liệu này có độ bền hàng trăm năm. Thật thú vị khi có mối liên hệ giữa thứ bình dị nhất –  thân cây chuối, với thứ quý giá hơn – tờ tiền.

Còn ở  Philippines, sợi chuối(hay còn gọi là sợi abaca) đang được dùng để sản xuất khẩu trang để chống dịch COVID-19. Lại có sự liên kết thú vị nữa giữa chiếc khẩu trang chống dịch với thân cây chuối thân thuộc. 

Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước có diện tích trồng chuối lớn nhất thế giới. Thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15 - 20 năm nay và ngày càng sôi động với sự góp mặt của những ông lớn xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu hàng tỷ USD.

Có thể thấy, thị trường sản phẩm từ sợi chuối thật sự tiềm năng, tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương, nâng tầm sản phẩm Việt Nam vừa độc đáo, tiện dụng mà vẫn thân thiện với môi trường.