Trong một cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt cho các chính sách khí hậu và năng lượng của châu Âu, Nghị viện châu Âu hôm 6/7 vừa qua đã xác nhận việc dán nhãn một số dự án năng lượng hạt nhân và khí đốt là “xanh”. Điều này cho phép chúng tiếp cận hàng trăm tỷ euro từ các khoản vay giá rẻ và thậm chí cả trợ cấp của nhà nước.
278 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, 328 phiếu chống và 33 bỏ phiếu trắng. Cần có ít nhất 353 phiếu để phủ quyết đề xuất này. Nếu cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu đều không phản đối đề xuất trước ngày 11/7/2022, thì Đạo luật ủy quyền phân loại nói trên sẽ có hiệu lực và áp dụng kể từ ngày 1/1/2023.
Quyết định này của Liên minh châu Âu hứa hẹn sẽ làm dấy lên một cuộc tranh luận toàn cầu về cách thức và tốc độ các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn có thể thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà phê bình cho rằng nó sẽ ngăn chặn và kéo dài sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi những người đề xuất biện pháp, bao gồm cả trong Ủy ban châu Âu, cho biết đây là một phần của cách tiếp cận thực dụng để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Đặc biệt là khi Châu Âu đang tìm cách hạn chế việc nhập khẩu nhiên liệu từ Nga.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina đã khiến các nước châu Âu phải đưa ra lựa chọn cấp bách, đó là tìm nguồn khí đốt từ bất kỳ nơi nào khác ngoài Nga, hoặc nhân đôi các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời.
Và cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư cũng báo hiệu ý định của châu Âu trong việc kéo dài sự phụ thuộc vào khí đốt, với thành phần khí thải chính là mêtan, chất làm tăng tốc độ ấm lên toàn cầu. Khí mêtan có khả năng làm ấm hành tinh mạnh hơn khí thải CO2, mặc dù nó phân hủy trong khí quyển sớm hơn. Trong hơn 20 năm, nó có thể tạo ra sự ấm lên gấp 80 lần so với cùng một lượng CO2.
Việc sửa đổi của Nghị viện châu Âu là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của EU nhằm cung cấp cho các ngân hàng và các tổ chức khác công cụ để đánh giá dự án nào xứng đáng được vay và cấp vốn trên cơ sở thân thiện với môi trường.
Nhiều nhà khoa học, chính trị gia và những người ủng hộ khí hậu đã phản ứng bằng cách đưa ra những lời chỉ trích nặng nề. Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển, gọi quyết định trên là "đạo đức giả".
E3G, một nhóm nghiên cứu năng lượng, cho biết quyết định trên “mâu thuẫn với định hướng chung mà EU đang thực hiện”.
Nhiều nhà phê bình cũng chỉ ra rằng việc khuyến khích các dự án khí đốt tự nhiên mới sẽ cản trở nghiêm trọng mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 của EU vào cuối thập kỷ này, đi ngược lại với khuyến nghị của IPCC rằng thế giới cần ngừng xây dựng tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch mới về cơ bản ngay bây giờ, và có thể tước đi nguồn tài chính cần thiết của các dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án năng lượng tái tạo khác.
Những người ủng hộ thì lập luận rằng khí đốt là một nguồn tài nguyên quý giá để giúp các nước châu Âu chuyển đổi từ than đá, vì các nhà máy khí đốt tự nhiên thải ra lượng CO2 ít hơn từ 50% đến 60% so với một nhà máy than cùng công suất.
Nhưng không giống như than đá, khí đốt tự nhiên không thể vận chuyển dễ dàng. Việc sử dụng nó như một hàng hóa toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào việc xây dựng các trung tâm để hóa lỏng nó trước khi vận chuyển, thứ có thể mất nhiều năm để xây dựng và cực kỳ tốn kém. Nếu các nước châu Âu tiến tới việc lắp đặt một loạt các cơ sở khí đốt tự nhiên ngay bây giờ, thì gần như chắc chắn châu lục này sẽ bị khóa chặt trong nhiều thập kỷ vào việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Và bởi vì các cơ sở này mất quá nhiều thời gian để xây dựng và vận hành, chúng có thể sẽ không giải tỏa được bất kỳ áp lực nào trong ngắn hạn.
Nguồn: Cục CNTT - Bộ TNMT