Đinh Hà ·
3 năm trước
 4234

Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, hậu quả là gì?

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Monash (Australia) và Trường Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) ước tính, cứ 100.000 người thì có 74 người chết vì nhiệt độ quá lạnh hoặc nóng bất thường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiệt độ thay đổi bất thường liên tục do tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng là nguyên nhân gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.

Theo tổ chức nghiên cứu độc lập Climate Action Tracker, hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp tục tăng tốc, khiến nhiệt độ Trái Đất đang trên đà chạm mốc cao hơn khoảng 3 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học dự báo nếu Trái Đất nóng thêm 2 độ C sẽ là thảm họa đối với sự sống trên hành tinh.

thời tiết khắc nghiệt

Hơn 5 triệu người tử vong mỗi năm do thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh: vov.vn)

Một nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc trường Đại học Monash (Australia) và Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) đã được đăng tải trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health (Pháp) ngày 8/7. Trong đó nêu rõ, ước tính cứ 100.000 người thì có 74 người chết vì nhiệt độ quá lạnh hoặc nóng bất thường.

"Về dài hạn, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng gánh nặng tử vong khi số người chết do nắng nóng tăng lên. Đã có hàng trăm người chết vì các đợt nắng nóng quét qua Bắc bán cầu vào mùa hè này. 20 năm qua là thời gian nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp”, TS Yuming Guo, một trong những tác giả của báo cáo và là giáo sư tại Trường Đại học Monash (Australia) nhận định. 

Nghiên cứu cũng phân tích tỉ lệ tử vong ở 43 quốc gia trên khắp các châu lục và cho thấy số ca tử vong do lạnh giảm 0,5% trong giai đoạn 2000-2019, trong khi số ca tử vong do nắng nóng tăng 0,2%. Châu Âu có tỉ lệ tử vong cao nhất trên 100.000 người do nắng nóng. Khu vực châu Phi cận Sahara ghi nhận tỉ lệ tử vong cao nhất trên 100.000 người do giá lạnh.

Từ kết quả trên nhận thấy, thời tiết khắc nghiệt chính là nguyên nhân gây ra 9,43% tổng số trường hợp tử vong trên toàn cầu giai đoạn 2000-2019. Trong đó, các nước ở khu vực Đông Âu và phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi ghi nhận tỉ lệ tử vong do nhiệt độ nóng và lạnh bất thường cao nhất thế giới.

Đáng chú ý tại Australia, các nhà nghiên cứu nhận thấy cứ 16.500 ca tử vong hằng năm do có liên quan tới nhiệt độ tại nước này thì có khoảng 2.300 ca (tương đương 14%) là do nguyên nhân nhiệt độ nóng, trong khi 14.200 ca còn lại là do nhiệt độ lạnh bất thường.

Do vậy, việc nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ nhiều quốc gia trên toàn cầu sẽ giúp con người hiểu được chính xác hơn về những tác động tiêu cực của nhiệt độ nóng - lạnh bất thường do tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố vào tháng 12/2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua cao hơn khoảng 1,2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này cũng tương tự với con số công bố vào đầu tháng 01/2021 của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S). Với mức nền nhiệt đó, năm 2020 trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong lịch sử và cũng khép lại một thập kỷ có nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu.

Một số nhà lãnh đạo quốc gia ngày càng tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính thúc đẩy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các đợt nóng và bão. “Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài. Chúng tôi đang phải chứng kiến những đám cháy có cường độ lớn, di chuyển với tốc độ nhanh và kéo dài hơn cả trong những mùa cháy”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 30/6.

Nguồn